Thấy gì từ quy hoạch đô thị sông Hồng?
Trên thế giới, mọi thành phố đều bền vững khi bao lấy một con sông lớn của quốc gia, liệu sông Hồng sẽ đóng vai trò như vậy với Thủ đô.
Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồngđoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, và quy hoạch phân khu sông Đuống đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng.
Các quyết định này đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai và Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì "quay lưng" - phát triển về phía Tây, như lâu nay.
Nhìn lại dòng lịch sử, Hà Nội ngày này là Thăng Long xưa, do vua Minh Mạng nhà Nguyễn đổi tên thành Hà Nội với ý nghĩa bắt chước một địa danh của Trung Quốc, tránh đi từ "Long" là rồng chỉ để dành cho nơi vua ở, đồng thời cũng để chỉ tới một địa điểm nằm bên trong sông Hồng. Đúng là Thăng Long kể từ khi nhà Lý dời đô đã nằm phía dưới sông Hồng như một giải pháp quốc phòng trước những rủi ro chiến tranh.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến tháng 5/2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII đã quyết định mở rộng Thủ đô trên cơ sở sáp nhập cả Hà Tây vào Hà Nội. Tôi còn nhớ, khi đó tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội có đề cập đến vấn đề khoa học phong thủy. Trong số 5 phương án mở rộng, Chính phủ đề xuất phương án 1 như chúng ta đã biết nhằm giúp Hà Nội có một không gian đủ lớn. "Tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn với môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên", tờ trình của Chính phủ lúc đó viết.
Trong những năm qua, việc điều chỉnh địa giới thủ đô đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng theo tôi, nhìn vào thực tế, vẫn còn đó một số mục tiêu không được là bao, trong khi "chất" bất động sản đã lấn át. Sau mở rộng, dường như văn hóa Xứ Đoài đang mai một dần trước văn hóa Kẻ Chợ đóng vai chủ đạo gắn với Thủ đô.
Chúng ta thấy rằng Hà Nội hiện nay quá rộng mà phía Tây chỉ phát triển mạnh ở phần giáp Hà Nội cũ, xa hơn nữa vẫn chưa thay đổi đáng kể. Trong khi đó, phía Đông (bên kia sông Hồng) lại quá chật hẹp, có điều kiện phát triển nhưng không còn không gian. Nhìn ra thế giới, mọi thành phố đều bền vững khi bao lấy một con sông lớn của quốc gia, như sông Seine chảy giữa Paris, sông Thames chảy giữa London, sông Visla chảy giữa Warsaw, sông Danube chảy giữa Viên, Budapest và nhiều thành phố khác của châu Âu… Như vậy, phải chăng để phát triển, sông Hồng phải chảy giữa Thăng Long mà giờ đang là Hà Nội. Tôi vẫn còn nhớ rõ, trong số 5 phương án mở rộng địa giới Hà Nội lúc đó, phương án thứ 5 có lý hơn cả về khoa học phong thủy và địa kinh tế. Hà Nội lấy thêm vài huyện của Hà Tây giáp Thanh Trì thôi, nhưng lấy vài huyện của Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nam để đưa sông Hồng vào giữa Thủ đô. Trả lại văn hóa xứ Đoài cho Sơn Tây để bảo vệ nét riêng của một vùng Việt cổ.
Với cách tiếp cận này, chúng ta có thể xem xét ranh giới trên sông Hồng ở phía Tây Bắc và phía Đông Nam. Phía Tây Bắc, nên bắt đầu từ Ba Vì nơi có đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (thần Sơn Tinh) và phía Tây Nam, nên kết thúc bằng đền Chử Đồng Tử. Ở giữa đoạn sông này là đền Thánh Gióng tại Sóc Sơn. Hà Nội đã bao trọn nơi thờ phụng 3 trong số 4 "tứ bất tử" của Việt Nam. Quả là bền vững về địa thế và lòng người.
Nhưng đó là chuyện tương lai, nếu như các nhà hoạch định chính sách xem xét lại việc bố trí không gian Thủ đô. Đi vào cụ thể của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hiện nay, tôi thấy có mấy vấn đề sau.
Thứ nhất, phạm vi quy hoạch được giới hạn giữa 2 bờ đê tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, kéo từ cầu Sông Hồng ở phía thượng nguồn tới cầu Mễ Sở ở hạ nguồn, tức là chỉ xem xét tới vùng lòng sông Hồng tồn tại từ xa xưa, ít quan tâm tới kết nối địa kinh tế với các trung tâm kinh tế quốc tế, khu vực, quốc gia và vùng địa lý kinh tế trong nước. Khi nhìn vào bản quy hoạch, tôi chưa thấy chỉ ra được thành phố sông Hồng sẽ kết nối như thế nào về hàng không, đường bộ hay đường sắt.
Thứ hai, trong phạm vi này, quy hoạch phân khu chia thành 3 phân khu lớn trên lòng sông Hồng: Phân khu 1 từ cầu Sông Hồng tới cầu Thăng Long có chức năng đảm bảo môi trường; phân khu 2 từ cầu Thăng Long tới cầu Thanh Trì có chức năng phát triển đô thị gắn với các hoạt động kinh tế dựa trên đất đai đang sử dụng; phân khu 3 từ cầu Thanh Trì tới cầu Mễ Sở lại có chức năng đảm bảo môi trường. Đại để, phân khu như vậy có tính hợp lý chung, nhưng còn thiếu phân tích chi tiết về tình trạng sử dụng đất hiện nay.
Chúng ta biết rằng hiện trạng sử dụng đất quyết định tới tính khả thi của quy hoạch. Nhiều trường hợp, ý tưởng quy hoạch là tốt nhưng không thể thực thi được do tính phức tạp của hiện trạng sử dụng đất. Đơn cử, hiện nay nhiều nơi bãi sông Hồng là đất lấn chiếm, đất đã bê tông hóa…, như vậy thì các nhà quản lý sẽ phải làm rõ việc triển khai quy hoạch tới đây như thế nào.
Thứ ba, quy hoạch phân khu này có một mong muốn an toàn là chấp nhận sự phù hợp với mọi văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, mọi quy hoạch đã được phê duyệt. Điều nay là có thể hiểu được. Tuy nhiên, một bản quy hoạch khi "mặc vừa tất cả chiếc áo" thì có thể trở nên nhàm chán, thiếu sáng tạo. Văn bản do con người làm ra, chúng ta hoàn toàn có thể xem xét sửa đổi để cập nhật và phục vụ cho sự phát triển,
Hơn nữa, quy hoạch phân khu này thực hiện nhiệm vụ phân chia các khu dựa trên quy hoạch chung của Hà Nội được phê duyệt từ 2011. Như vậy có thể coi là quá cũ, không có quy hoạch chung của thành phố Sông Hồng, thiếu chi tiết so với nhu cầu phát triển hiện nay.
Trên thế giới từ xưa đến nay, nhiều dân tộc đã biến mất hoàn toàn, nhưng cũng nhiều dân tộc tồn tại sau hàng nghìn năm. Việt Nam là một quốc gia giữ độc lập sau nhiều thăng trầm lịch sử. Ngoài những gì ưu việt của con người Việt Nam đã nói tới, chúng ta có một lợi thế khoa học phong thủy dựa vào sông Hồng - dòng sông mẹ. Chúng ta cần tận dụng và phát huy lợi thế này để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trường tồn, ngày càng phát triển mạnh mẽ.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Trong quá trình công tác cũng như những năm gần đây, ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận