Thấy gì từ đóng góp của thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách?
Trong vòng 12 năm, đóng góp của thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách đã tăng tới hơn 18 lần, tỷ trọng tăng gần 3,6 lần.
Theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), cũng như thông tin cập nhật từ Tổng cục Thuế gần đây, khả năng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đang đặt ra vào cuối năm nay.
Nhìn lại, dữ liệu thống kê cho thấy, trong hơn chục năm qua, lượng thuế thu nhập cá nhân đóng góp vào ngân sách đã liên tục gia tăng và trở thành một khoản thu quan trọng trong cơ cấu.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính, 8 tháng năm 2019, ngân sách đã thu được tới 73.200 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, bằng 61,8% dự toán.
Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, số thu từ thuế TNCN đã không ngừng gia tăng trong các năm qua. Nếu như trước kia, cơ cấu thu ngân sách thuế TNCN chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn thì nay sắc thuế này đã tăng lên tới mức thuộc nhóm có đóng góp nhiều nhất.
Nếu nhìn trên giá trị tuyệt đối, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện vẫn đang có đóng góp khá khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, trong hơn 1 thập kỷ qua, nguồn thu này đã liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ mức chỉ gần 5.180 năm 2006 đã tăng hơn 18 lần lên trên 94.366 năm 2018.
Về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách của thuế TNCN cũng đã tăng gần 3,6 lần trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ 1,85% vào năm 2006 lên 6,62% theo số liệu ước tính năm 2018.
Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê
Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê
Trong khi tổng thu từ thuế TNCN luôn tăng trưởng qua từng năm thì dư luận cũng như các chuyên gia đã không ít lần lên tiếng về sự bất hợp lý hiện tại của sắc thuế này sau hơn 6 năm áp dụng.
Trước sự quan tâm của dư luận, hôm 31/8, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức lên tiếng về khả năng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhiều khả năng sẽ vượt trên 20% so với thời điểm Luật thuế TNCN có hiệu lực trong năm nay.
Theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Như vậy, nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/ tháng) để tính mức giảm trừ gia cảnh thì trong kỳ tính thuế tới (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh, số thu ngân sách sẽ giảm nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Số lượng người nộp thuế ở bậc một - bậc thấp nhất sẽ giảm nhưng số tiền thuế của nhóm này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số thu từ sắc thuế này.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 50 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam hiện theo lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%. Năm 2013, thuế thu nhập cá nhân đóng góp 47.000 tỷ đồng cho ngân sách và tăng lên gần 97.000 tỷ đồng năm 2018. Theo dự kiến, năm 2019, nguồn thu này có thể đạt hơn 113.000 tỷ đồng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận