menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Thấy gì qua tốc độ mở rộng cung tiền?

Chỉ trong vòng chưa đến 3 tháng cuối năm, tổng PTTT đã tăng thêm 4.41%, chiếm 44% tổng mức tăng của cả năm. Lý giải cho hiện tượng này như thế nào và vì sao nhà điều hành dường như mạnh tay nới lỏng cung tiền hơn trong năm nay?

Nới lỏng cuối năm

Tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán (PTTT) tăng 10.03% so với cuối năm 2022, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), theo đó số tuyệt đối ước đạt hơn 15.6 triệu tỷ đồng. Nếu nhìn vào mức tăng trưởng chỉ vỏn vẹn 3.85% của cùng kỳ năm 2022, có thể thấy năm 2023 vừa qua nhà điều hành đã có khuynh hướng nới lỏng cung tiền mạnh tay hơn rất nhiều.

Đặc biệt, tốc độ mở rộng gia tăng nhanh trong quý 4 năm 2023, khi số liệu trước đó cũng của GSO cho thấy tổng PTTT đến 20/9/2023 chỉ mới tăng 4.75%. Còn theo số liệu công bố định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, tổng PTTT cập nhật đến 30/9/2023 tăng 5.62% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 3 tháng cuối năm 2023, tổng PTTT đã tăng thêm 4,41%, chiếm 44% tổng mức tăng của cả năm, tương ứng với số tăng tuyệt đối là gần 628,000 tỷ đồng.

Cần biết rằng số liệu tổng PTTT luôn có sự biến động cùng chiều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Trong khi đó, số liệu tăng trưởng huy động vốn theo GSO đến 21/12/2023 là 10.85%, tăng trưởng tín dụng là 11.09%, nhưng theo số liệu cập nhất từ NHNN thì với tiền gửi của toàn hệ thống lên mức cao nhất 13.5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, theo đó tốc độ tăng đến cuối 2023 có thể đã đạt trên 14%, còn tăng trưởng tín dụng kết thúc năm cũng leo lên mức hơn 13.7%, có thể tăng trưởng tổng PTTT tại thời điểm cuối năm 2023 cao hơn mức 10.03% nói trên và không loại trừ khả năng cũng vượt qua con số 10.66% của năm 2021.

Về cơ bản, tổng PTTT theo phương pháp tính của Tổng cục Thống kê gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực thể chế phi tài chính, khu vực thể chế hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của.

Theo đó, với số dư huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, tổng PTTT tăng theo tương ứng là điều có thể hiểu được. Và ngược lại, khi nguồn cung tiền mở rộng hơn, hoạt động huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng cũng “dễ thở” và có điều kiện tăng trưởng tích cực hơn. Không như giai đoạn trước, dù định hướng kích thích tăng trưởng tín dụng nhưng nhà điều hành lại kiểm soát tăng trưởng cung tiền chặt chẽ, phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống và gây áp lực lãi suất, năm nay cơ quan quản lý dường như điều hành lượng cung tiền hài hòa, cân đối và theo sát với mục tiêu phát triển tín dụng hơn.

Động lực hỗ trợ

Trước hết ở điều kiện cần là nhờ xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi xuống trở lại từ đầu năm 2023, đẩy nỗi lo lạm phát tạm rời xa. Thực tế CPI cả năm 2023 chỉ tăng 3.25% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4.5% Quốc hội đề ra, nên có lẽ NHNN không ngại tăng cung tiền để nới lỏng thêm chính sách, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và tiếp tục kéo giảm lãi suất.

Điều kiện đủ là với nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước lớn, cũng hỗ trợ cho chính sách nới lỏng. Về cơ bản, một trong những công cụ phù hợp nhất để mở rộng cung tiền có lẽ vẫn là qua kênh thị trường mở và sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng tương ứng.

Thực tế trong những tháng đầu năm, NHNN cũng đã sử dụng công cụ này, khi số liệu công bố cho thấy đã mua vào 6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số trên là khá khiêm tốn so với lượng cung ngoại tệ đổ vào Việt Nam trong năm nay. Do đó, không loại trừ khả năng nhà điều hành đã tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong những tháng cuối năm, để tăng tốc độ cung ứng tiền tệ cho nền kinh tế, nới lỏng thêm chính sách, phục vụ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công cũng ở giai đoạn tăng tốc.

Số liệu công bố cho thấy cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD, gấp 2.3 lần con số xuất siêu 12.1 tỷ USD của năm 2022, trong đó riêng tháng 12 cuối năm ước tính xuất siêu 2.28 tỷ USD. Ở cán cân dịch vụ, Việt Nam chỉ chịu nhập siêu chưa đến 9.5 tỷ USD. Như vậy cán cân thương mại ròng của quốc gia cũng đã thặng dư 18.5 tỷ USD.

Điều kiện đủ là với nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước lớn, cũng hỗ trợ cho chính sách nới lỏng. Về cơ bản, một trong những công cụ phù hợp nhất để mở rộng cung tiền có lẽ vẫn là qua kênh thị trường mở và sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng tương ứng.

Ở hoạt động thu hút đầu tư, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23.18 tỷ USD, tăng 3.5% so với năm trước. Đáng chú ý đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, trong đó chủ yếu rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19.08 tỷ USD, chiếm 82.3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1.37 tỷ USD, chiếm 5.9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.15 tỷ USD, chiếm 4.9%.

Về nguồn cung ngoại tệ qua hoạt động kiều hối, dẫn số liệu từ NHNN chi nhánh TP HCM cho thấy, lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ cả năm 2023 dự kiến đạt gần 9 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước đó và là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay. Lượng kiều hối tại TPHCM các năm qua chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng kiều hối cả nước, do đó nguồn cung ngoại tệ qua kênh này cũng có thể quanh đâu đó 18 tỷ USD trong năm 2023.

Một yếu tố quan trọng khác giúp lượng cung tiền tăng mạnh về cuối năm là động thái ngưng hút tiền qua thị trường mở của nhà điều hành. Trước đó nhận thấy thanh khoản hệ thống quá dồi dào, NHNN đã có 34 đợt phát hành tín phiếu hút tiền về trong giai đoạn từ ngày 21/9 đến 08/11/2023, với tổng giá trị hơn 360,000 tỷ đồng, tuy nhiên sau đó hoạt động này đã dừng hẳn giúp một lượng lớn nguồn tiền đã quay trở lại hệ thống.

Ngoài ra, theo NHNN thì số liệu tổng PTTT công bố của cơ quan này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua. Vì vậy, có khả năng tổng PTTT những tháng cuối năm tăng mạnh cũng đến từ hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sôi động hơn, với giá trị phát hành tăng lên nhằm tăng cường nguồn vốn kinh doanh phục vụ giai đoạn cao điểm cuối năm.

Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 5 năm qua

Thấy gì qua tốc độ mở rộng cung tiền?
Nguồn: NHNN và GSO (số năm 2023 tính đến ngày 21/12/2023)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại