Thấy gì khi 'Nga tăng trần lãi suất-Mỹ nâng trần nợ công'?
Dư địa cho hoạch định chính của chính phủ Nga luôn rộng hơn của Mỹ, cả khi kinh tế tăng trưởng bình thường cũng như có nguy cơ bị đứt gãy...
Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc Quốc hội nâng mức trần nợ công
Ngày 9/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục hối thúc Quốc hội Mỹ nâng mức trần nợ công trong bối cảnh chính quyền liên bang gần cạn kiệt ngân sách, đồng thời cảnh báo những tác động xấu về kinh tế nếu không tăng trần nợ công.
Bà Yellen cho biết tăng trần nợ công sẽ không những giúp tăng chi tiêu của chính phủ hoặc thông qua các khoản chi trong tương lai, mà còn cho phép chính phủ cấp kinh phí cho các hoạt động đã được Quốc hội thông qua, theo The Washington Post.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu không tăng trần nợ công kịp thời sẽ gây ra tổn hại những “không thể khắc phục được” đối với nền kinh tế Mỹ và sinh kế của toàn bộ người dân xứ cờ hoa.
Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công trong vòng hai năm và quyết định này hết hiệu lực vào ngày 31/7/2021. Điều đó đồng nghĩa Bộ Tài chính Mỹ không thể huy động tiền mặt từ việc bán trái phiếu chính phủ.
Do vậy Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để nhằm duy trì nợ chính phủ dưới mức trần nhưng vẫn có khả năng cấp kinh phí cho các hoạt động của chính phủ liên bang.
Bộ trưởng Tài chính Yellen đề xuất sau khi Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Bernie Sanders đưa ra một kế hoạch ngân sách khiến việc nâng trần nợ công không thể được giải quyết. Đó là gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD, sau gói 1,2 nghìn tỷ USD.
Trong khi khoản chi cho hoạt động của chính phủ liên bang dự kiến sẽ hết vào ngày 30/9, nếu không động thái nào khác. Điều này cho thấy nâng trần nợ công để đảm bảo hoạt động của chính phủ là rất cấp thiết.
Trong thư gửi tới lưỡng viện Quốc hội, bà Yellen cho biết: "Phần lớn các khoản nợ đã được tích lũy trước khi chính quyền nhậm chức. Đây là trách nhiệm chung và tôi kêu gọi Quốc hội hợp tác... để bảo vệ niềm tin và sự tín nhiệm đầy đủ của Mỹ”.
Theo Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ, nợ công của nước này tính đến tháng 6/2021 là 28.500 tỷ USD và thâm hụt ngân sách trong năm 2021 ước tính sẽ lên tới 3.000 tỷ USD. Như vậy, nếu nâng trần, nợ công Mỹ tiếp tục lập kỷ lục.
Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất với biên độ lớn nhất trong 7 năm
Ngày 23/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 7 năm với biên độ 100 điểm cơ bản, từ 5,5% lên 6,5%, một động thái được xem là sự quyết đoán của Thống đốc Elvira Nabiullina trong nỗ lực kéo giảm lạm phát.
Theo The Mosow Times, tăng lãi suất với 100% điểm cơ bản là mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2014, khi Ngân hàng Trung ương lúc đó vật lộn với giá dầu lao dốc, các lệnh trừng phạt của Mỹ-phương Tây và đồng ruble mất giá.
Đồng nội tệ Nga đã mạnh lên sau việc tăng lãi suất lần này, vốn được thị trường kỳ vọng sau những nhận định hồi đầu tháng 7 của các quan chức ngân hàng chủ chốt về khả năng tăng sức mua của đồng ruble trong nỗ lực chặn đà lạm phát đang gia tăng.
Tỷ lệ lạm phát của Nga hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm là 6,5% - cao hơn so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga - và bị cho sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc tổng tuyển bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, nhu cầu thị trường tiêu dùng Nga tăng nhanh hơn đáng kể so với năng lực sản xuất do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến đại dịch, khiến giá hàng hóa ổn định tăng hơn 4%/năm.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, người lao động di cư rời khỏi Nga kể từ sau đại dịch tạo ra tình trạng "việc thiếu người-người thiếu việc", đẩy mức lương lên cao, tạo chu kỳ lạm phát khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu, chi phí doanh nghiệp cũng tăng.
Tại cuộc họp báo sau khi tăng lãi suất, Thống đốc Elvira Nabiullina nhấn mạnh rằng "kỳ vọng lạm phát không được kiểm soát" đang đặt ra một thách thức và có thể làm suy yếu nỗ lực của chính phủ Nga trong việc kiểm soát tăng giá.
Nhà phân tích Konstantin Svyatny cho biết: “Ngân hàng Trung ương đã không giải quyết một cách nửa vời, mà đã thể hiện quyết tâm đưa lạm phát trở lại đúng hướng. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện các bước tiếp theo".
Nhà kinh tế độc lập Tatiana Evdokimova thì nhận định, có vẻ như Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định dùng lãi suất để tạo bước đột phá, khi chọn một động thái mạnh mẽ làm rung chuyển thị trường thay vì một loạt các bước dần dần.
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế không cho rằng bước đột phá bằng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga là mạo hiểm, khi dự báo tăng trưởng của Nga khoảng 4-4,5% năm 2021. Nền kinh tế Nga đã trở lại quy mô tiền coronavirus hồi vào đầu năm nay.
Thấy gì khi "Nga tăng trần lãi suất-Mỹ nâng trần nợ công"?
Có thể thấy, việc Nga tăng trần lãi suất và Mỹ muốn nâng trần nợ công, ngoài mục tiêu trực tiếp là chống lạm phát hay đảm bảo chính phủ hoạt động, cả hai biện pháp đều hướng tới mục đích là ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo sinh kế của người dân.
Như vậy, đây là hai biện pháp khác nhau nhưng hướng tới cùng một đích giống nhau. Thực ra, trong trường hợp này, cả Nga và Mỹ đều có thể áp dụng cùng một lúc hai biện pháp là tăng nợ công và tăng lãi suất.
Tuy nhiên, nếu Nga tăng nợ công nhưng không tăng lãi suất thì vẫn đảm bảo được cả mục tiêu và mục đích, song Mỹ tăng lãi suất mà không nâng trần nợ công thì có nguy cơ vỡ nợ quốc gia. Như vậy, dư địa hoạch định chính sách của Nga rộng hơn Mỹ.
Tính chất mô hình kinh tế của Nga và mô hình kinh tế của Mỹ là khác nhau, nên khó có thể xác định đâu là mô hình kinh tế ưu việt hơn. Hơn nữa, nền tảng và định hướng phát triển kinh tế của mỗi quốc gia khác nhau nên khó có thể so sánh.
Nhưng khi một nền kinh tế có nguy cơ bị đứt gãy mà dư địa cho việc hoạch định các chính sách của chính phủ bị thu hẹp thì vấn đề trở nên nghiêm trọng. Và từ đây nhận thấy việc xác định mô hình tăng trưởng phù hợp quan trọng như thế nào.
Mỹ tăng trưởng dựa trên gia tăng nợ vay, điều đó sẽ mang lại hiệu quả cao khi kinh tế quốc gia cũng như kinh tế toàn cầu tăng trưởng cao. Đặc biệt nguồn lực cho phát triển lớn nên quy mô tăng trưởng luôn rất lớn.
Tuy nhiên, chi phí cho tăng trưởng, bao gồm cả chi tiêu công, luôn là C+c. Trong đó C là nguồn chi, còn c là lãi vay. Từ tài chính công đến tài chính doanh nghiệp và chi tiêu dùng luôn bao gồm cả 2 khoản này.
Nga không tăng trưởng dựa trên gia tăng nợ vay, nên nguồn lực cho tăng trưởng luôn hạn chế hơn so với mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ vay. Vì vậy tốc độ tăng trưởng thường ở ngưỡng trung bình, ngay cả khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, chi phí cho tăng trưởng, bao gồm cả chi tiêu công chỉ là C. Hiểu đơn giản là chi tiêu của các thực thể trong nền kinh tế Mỹ bao gồm : tiền tự có + tiền đi vay + lãi vay, còn chi tiêu của Nga chỉ là tiền tự có.
Với thực tế như vậy, dư địa cho hoạch định chính của chính phủ Nga luôn rộng hơn của Mỹ, ngay cả khi kinh tế tăng trưởng bình thường. Khi kinh tế có nguy cơ bị đứt gãy thì dư địa chính sách của Nga không thay đổi, còn Mỹ thì bị thu hẹp rất nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay, không khó hiểu khi nền kinh tế Nga là “một trong những nền kinh tế đầu tiên trên thế giới đạt đến quy mô tiền coronavirus" và chính phủ Nga có thể đưa ra các chính sách tạo đột biến hay đảm bảo sự an toàn.
Đây là lý do chính quyền Tổng thống Putin đưa ra gói các biện pháp chi tiêu bổ sung cho các đối tượng ưu tiên trong xã hội Nga dễ dàng hơn rất nhiều việc chính quyền Tổng thống Biden tìm giải pháp để có nguồn chi tiêu cho chính phủ liên bang.
Rõ ràng, mô hình kinh tế Nga không phải đã lỗi thời như nhận định của cựu Phó Thủ tướng Nga Alexei Kudrin, mà là mô hình kinh tế đặc biệt. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ có mô hình kinh tế như Nga thì chính phủ liên bang không lo hết tiền hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận