Thấy gì đằng sau việc Mỹ và Đài Loan nối lại đàm phán?
Mỹ và Đài Loan đã tiến hành họp Hội đồng Thỏa thuận Khung Thương mại và Đầu tư Đài Loan-Mỹ để thảo luận về cách thức tăng cường chuỗi cung ứng công nghệ, đặc biệt là về chất bán dẫn.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại Đài Loan Đặng Chấn Trung bày tỏ hy vọng có thể ký một hiệp định thương mại tự do với Mỹ. “Chúng tôi đã bày tỏ hy vọng sẽ ký được một hiệp định thương mại với Mỹ. Chúng tôi tin rằng, nếu tiếp tục cố gắng, một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu”, ông Đặng thông tin trong cuộc trao đổi với phóng viên sau cuộc họp trực tuyến về Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) với những người đồng cấp Mỹ.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết, các quan chức nước này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ - Đài Loan, ngoài ra, hai bên đều bày tỏ ủng hộ nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng trọng yếu. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định cam kết sẽ ủng hộ Đài Loan trong nhiều vấn đề trước sức ép từ Bắc Kinh.
Đồng thời, các cuộc thảo luận được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, cũng như xuất nhập khẩu vaccine và bảo vệ động vật hoang dã.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết rằng Mỹ sẽ sớm bắt đầu thảo luận thỏa thuận thương mại với Đài Loan. “Mỹ đã cam kết với đề xuất rằng Đài Loan phải có các phương tiện để tự vệ. Chúng tôi đã tiếp tục cung cấp thiết bị và doanh số đáng kể cho Đài Loan vì mục đích đó. Chúng tôi thực sự lo ngại mức độ gây hấn gia tăng của Bắc Kinh với Đài Loan", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Nếu không có các khả năng răn đe nội sinh như vũ khí hạt nhân, Đài Loan sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề thống nhất. Do đó, Đài Loan từ lâu đã tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ như một phần của “bức tường thành” nhằm chống lại tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Ngược lại, nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán thương mại toàn diện hơn với Đài Loan như một đòn bẩy với Bắc Kinh và để tiếp cận thị trường Đài Loan, cũng như hướng tới việc tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Do đó, các chuyên gia nhận định, việc Mỹ tiến hành đàm phán thương mại với Đài Loan sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Các quan chức tại Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh cáo Mỹ ngừng bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào với Đài Loan và không gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào đến các lực lượng đòi độc lập Đài Loan.
Theo Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ cho biết, so với Cựu Tổng thống Donald Trumpp, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan dưới thời chính quyền của ông Joe Biden. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden chưa cho biết liệu ông có quan tâm đến việc thiết lập một thỏa thuận thương mại với Đài Loan hay không.
Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng sẽ khiến Đài Loan trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược Mỹ-Trung nói chung. Và nếu sự căng thẳng này ngày càng có xu hướng gia tăng đương nhiên sẽ tạo ra nhiều liên kết hơn giữa Washington và Đài Bắc.
“Hiện nay, Đài Loan đang là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WHO, Đài Loan có quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các thành viên khác. Trong quá khứ Bắc Kinh đã từng ủng hộ các hiệp định thương mại của Đài Loan với Singapore và New Zealand. Nhưng Trung Quốc sẽ không hài lòng về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Đài Loan”, chuyên gia này nhận định.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã gia tăng sức ép đối với Đài Loan, gồm điều máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Giới quan sát dự đoán, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình đàm phán của Mỹ và Đài Loan để đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận