Thay đổi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn: Ai chịu ảnh hưởng nhất?
Đầu tháng 10/2023, các ngân hàng chính thức giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống 30% theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước. Về lý thuyết, các ngân hàng không có vốn dài và bất động sản sẽ chịu tác động, còn thực tế khó hay dễ còn tùy đối tượng.
Các ngân hàng đã sẵn sàng?
Theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 30% kể từ ngày 1/10/2023 nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản.
Thời điểm đầu năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến ngày 13/10, NHNN tiếp tục hút về thêm 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Lũy kế qua 17 phiên phát hành tín phiếu, tổng lượng hút tiền lên tới gần 206.000 tỷ đồng. Trong hai phiên gần nhất, NHNN đã tăng tốc độ hút tiền sau khi lãi suất trúng thầu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang có xu hướng đi xuống so với đầu tháng 10. Lãi suất liên tục giảm cho thấy dấu hiệu dư thanh khoản vẫn hiện hữu trong hệ thống.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng với thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm, việc kéo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 30% không phải là “vấn đề” đối với hệ thống ngân hàng. Trên tất cả, các ngân hàng cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng nếu “lấy ngắn nuôi dài” sẽ chịu nhiều rủi ro, mặt khác, các ngân hàng cần giảm dần “gánh nặng” để còn có sức giải quyết những vấn đề trên thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo số liệu tổng hợp của VNDirect, trong quý III/2023 có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II/2023 và tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành, và 8 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 11.447 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng giá trị phát hành (số liệu được tổng hợp trên trang thông tin của HNX công bố tới ngày 3/10/23).
Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy tính đến tháng 7/2023, các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, cụ thể: mức 32,66% với nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân, cao hơn so với nhóm ngân hàng TMCP có vốn nhà nước 24,97%. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 26,14%. Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, một lãnh đạo cao cấp Nam A Bank cho biết, tỷ lệ này của ngân hàng là 20%, còn tại Eximbank là 18%.
Trả lời câu hỏi của về việc khi nào cơ quan quản lý sẽ có được số liệu về tỷ lệ này của các ngân hàng, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, ngày 25/11 tới, các ngân hàng sẽ báo cáo lên NHNN số liệu của tháng 10, cơ quan quản lý sẽ tiến hành rà soát và khoảng tháng 12 sẽ có số liệu chính xác.
“Tất nhiên, có ngân hàng tuân thủ theo Thông tư một cách đơn giản nhưng dự báo tình hình khá căng liên quan đến các ngân hàng cho vay bất động sản lớn”, vị lãnh đạo NHNN nói.
Báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố tính đến 30/6/2023 cho biết, Techcombank vẫn giữ danh hiệu “anh cả” khi dẫn đầu về tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cho vay khách hàng với 33,68%. Tiếp theo là VietBank với 17,98%, VPBank là 15,22%, SHB với 14,84%, HDBank là 12,05%, MSB là 8,82%, TPBank 7,75%...
“Anh cả” dẫn đầu thị trường về con số tuyệt đối cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng dư nợ và tỷ lệ này đã tăng 7,23% so với thời điểm cuối năm 2022, đồng thời chiếm đến 60% tổng dư nợ cho vay bất động sản của cả 12 ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất trong hệ thống. Đáng chú ý, con số 33,68% chỉ là cho vay đối với doanh nghiệp, chưa tính dư nợ cho vay đối với khách hàng cá nhân.
Còn 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank không công khai dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong báo cáo tài chính quý II/2023.
Bất động sản vẫn quay quắt
Ngày 30/9, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Điều này có nghĩa, thời điểm áp dụng sẽ là từ ngày 1/10/2024 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
“Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận vốn vay, nguyên nhân chủ yếu là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng pháp lý. Do đó, kiến nghị lùi Thông tư 08 thêm 1 năm để tạo điều kiện cho các ngân hàng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn” ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nêu đề xuất.
Lo lắng của nhóm bất động sản là có nguồn cơn. Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT, cho biết hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III/2023. Tính đến ngày 3/10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95,2 nghìn tỷ đồng.
Những tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong quý III/2023 bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (đạt được thỏa thuận gia hạn 6 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng, thời gian gia hạn đều là 2 năm); Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H (đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng thời gian gia hạn đều là 2 năm); Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng, thời gian gia hạn đều là 2 năm); Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land (đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 3.300 tỷ đồng, thời gian gia hạn đều là 2 năm); Công ty Cổ phần BCG Land (đạt được thỏa thuận gia hạn 1 lô trái phiếu có tổng giá trị là 2.500 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ông Khương ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này là khoảng 176,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
HoREA mong mỏi, chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là sổ hồng của dự án thì các doanh nghiệp sẽ có thêm phần sức lực vượt qua khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận