Thất vọng vì giá nhà, chung cư không giảm như thời 2008-2009
Chu kỳ bất động sản hiện nay có vài điểm khác biệt, khiến nhiều người mong chờ giá nhà đất giảm sâu thất vọng.
"Tôi cũng khát khao có một căn nhà, quãng năm 2015-2016, căn nhà mục tiêu của tôi có giá tầm hơn một tỷ đồng. Thế rồi cũng ước mơ phấn đấu, tự nhiên đất sốt liên tục, vài năm sau giá nó đã lên tầm 7-8 tỷ đồng. Tôi cảm thấy mua nhà thật sự quá khó.
Sau nhiều đợt sốt đất, thị trường đã thiết lập nhiều mặt bằng giá mới. Thị trường rơi vào thế cài răng lược, tiến không được, lùi không xong. Vì hiện tại có nhiều hộ gia đình vừa mua nhà để ở vừa đầu tư, tức là chỉ có một căn nhà. Giờ mà bán đi, nếu bán rẻ thì không chắc mua được căn khác cũng giá rẻ.
Dù bạn có dỗi hờn vì thu nhập không cao, không mua được nhà thì cuộc đời vẫn cứ trôi.
Muốn giảm giá nhà đất thì phải như các nước đánh thuế vào BĐS thứ hai và BĐS bỏ trống. Hoặc chờ thêm 30-50 năm nữa, khi tỷ lệ sinh giảm rõ rệt, nhu cầu tự nhiên về nhà ở không còn thì giá nhà đất sẽ giảm.
Hoặc cơ quan chức năng phải tạo được nguồn cung giá rẻ bằng các dự án vùng ven, vùng rìa bằng hạ tầng đồng bộ, kết nối được công ăn việc làm, cùng các dịch vụ cơ bản thì sẽ giãn dân từ trung tâm ra vùng ven".
Bạn đọc có nickname coffees.mobi bình luận như trên sau bài viết Vì sao giá nhà không giảm như thời kỳ khủng hoảng 2008-2009?. Theo đó, hơn một thập kỷ trước, khi địa ốc xuống dốc, giá nhà tại các đô thị lớn giảm đến 30%, song giai đoạn này, giá chỉ chững lại, thậm chí tăng ở phân khúc chung cư.
Theo ghi nhận của VnExpress,12 tháng qua, giá nhà và đất giảm nhẹ một số khu vực trên thị trường thứ cấp, còn loại hình chung cư có xu hướng tăng giá tại Hà Nội và chững giá tại TP HCM.
Xu hướng giảm giá 15-20% xuất hiện cục bộ tại một số dự án TP HCM do nhà đầu tư áp lực tài chính bán tháo. Dữ liệu của kênh Batdongsan mới đây cũng cho thấy trái ngược với kỳ vọng bất động sản giảm giá mạnh trong năm 2023, mặt bằng chung thị trường tăng nhẹ 6% so với đầu năm.
Độc giả nickname mtriaudit lý giải bằng cách so sánh điều kiện pháp lý giữa hai giai đoạn:
"Những năm trước 2008, chủ yếu mua bán nhà trên giấy, khi chủ đầu tư dự án chưa có pháp lý rõ ràng, chưa bồi thường, chưa được giao đất đã ký hợp đồng bán nhà. Do đó, chủ đầu tư sợ rủi ro bị thu hồi dự án, còn nhà đầu tư thứ cấp thì không nhận được nền đất nên họ xả hàng nhanh để thu hồi vốn.
Còn hiện nay, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được bán hoặc huy động vốn (ngoài trừ các trường hợp cố tình vi phạm) khi đã đủ điều kiện pháp lý (đã thu hồi và được giao đất, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 để xây dựng công trình...) và các dự án mới đều mua bán qua sàn nên ít rủi ro hơn.
Do đó, họ không xả hàng ồ ạt, ngoại trừ các nhà đầu tư thứ cấp bị áp lực tài chính, nhưng dù sao vẫn ít hơn. Mặt khác, thời điểm sau năm 2008, thì tình hình kinh tế thế giới suy thoái rất nặng nề, phục hồi chậm hơn nhiều so với thời điểm hiện nay".
Về mặt tài chính độc giả anhquockt1211 cho rằng: "Hiện nay các công ty bất động sản quy mô tương đối lớn sau thời gian dài tích lũy lợi nhuận nên mặc dù thị trường không tốt họ vẫn đủ nguồn vốn để gồng chờ thời cơ.
Đồng thời nhờ các điều kiện như lãi suất cho vay hạ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS tái cấu trúc, không bơm thêm quỹ đất ở ra thị trường (mỗi lần đấu giá chỉ đưa ra một vài lô thay vì đưa ra hàng loạt như trước).
Cuối cùng người dân đang mơ đến viễn cảnh mua được nhà phù hợp với khả năng của mình để an cư đành thất vọng".
Trong khi đó, độc giả Xuanlam cho rằng thị trường BĐS đã chạm đáy: "Đáy bất động sản đã hết, ai không cầm cự nổi đã buông, ai cầm cự được chứng tỏ rất mạnh, và coi như đây là của để dành, vì bán ra để làm gì khi các ngành nghề kinh doanh đều khó...
Ai không mua nổi nhà trong năm nay thì chắc chắn sẽ không có cơ hội mua giá rẻ hơn, quý III năm 2024 sẽ khác, người có tiền tỷ không ít và họ vẫn cứ gom nhà đất".
Độc giả Hoàng Cường: "Khác với giai đoạn trước BĐS thừa cung, thì nay BĐS đang thiếu cung nghiêm trọng. Một dự án để hoàn thiện pháp lý phải mất 5-10 năm, chi phí bị đội lên nhiều theo thời gian. Vậy nên giảm giá nhà rất khó trừ phi phải tháo gỡ về nguồn cung và pháp lý".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận