Thất thu nghìn tỷ vì Nghị định 100, doanh nghiệp rượu bia "khóc ròng"
Sau khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, doanh số của nhiều đại lý, hàng quán bị giảm nặng và dừng nhập thêm mặt hàng rượu bia phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2020. Điều này khiến các doanh nghiệp rượu bia khó tiêu thụ hàng, ước tính nhiều doanh nghiệp đã thất thu hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng quán đến đại lý phân phối lớn nhỏ đều dừng nhập rượu, bia
Hằng năm, thời điểm cận dịp Tết Nguyên đán thường là những ngày các nhà hàng, quán nhậu, đại lý phân phối rượu bia “vào mùa” kinh doanh do tần suất các bữa tiệc tất niên, nhu cầu mua quà biếu tăng.
Năm 2020, sau khi Nghị định 100 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia. Điều này đã thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của đại bộ phận người Việt, các hàng quán trở nên vắng vẻ hơn bình thường. Ngoài ra, các đại lý phân phối mặt hàng này cũng cho biết, lượng khách mua rượu bia để làm quà biếu cũng giảm hẳn.
Các quán nhậu, nhà hàng đã vắng khách sau khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực
Theo anh Lê Xuân Hòa, chủ một quán nhậu tại quận Long Biên chia sẻ, trong suốt 10 năm kinh doanh dịch vụ quán nhậu, năm nay, số lượng khách đến quán giảm rõ rệt.
Mặc dù anh đã đưa ra nhiều dịch vụ cho phù hợp với quy định mới như: gửi xe qua đêm miễn phí, cho nhân viên chở khách về nếu được yêu cầu,… tuy nhiên, lượng khách vẫn không tăng khiến doanh thu suy giảm.
“So với thời điểm tháng 12/2019, lượng khách đến quán đã giảm hơn 2/3. Mỗi dịp cuối năm, lễ tết, doanh thu hàng ngày của chúng tôi dao động từ 20 đến 40 triệu đồng một ngày nay chỉ còn 5-7 triệu đồng.
Thậm chí thời gian vừa qua, có sự kiện U23 Việt Nam tham dự giải châu Á, bình thường trước đấu từ 1 đến 2 tiếng là khách đã đến kín bàn, nhiều khách quen đã đặt sẵn từ trước. Nhưng hiện tại, mỗi trận đấu chỉ có khoảng 1/3 lượng bàn có khách.” Anh Hòa cho hay.
Không chỉ những nhà hàng, quán nhậu tại các quận ngoại thành mới ế ẩm mà ngay cả những cơ sở lớn tại trung tâm thành phố cũng chung cảnh ngộ. Theo chủ một đại lý bia trên phố Lò Đúc cho biết, thời điểm tháng 11 - 12/2019, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh xuất bán trên 700 két bia các loại, đỉnh điểm có ngày lên tới gần 1.000 két cho các cửa hàng và quán bia lớn. Nhưng hiện tại, lượng bán ra chỉ bằng 50-60%, tức là khoảng 400-500 két bia/ngày.
“Tuy rất ủng hộ chính sách mới song thú thật là khá sốt ruột khi thấy doanh số sụt giảm mạnh. Một tuần nay, số lượng bia két xuất bán rất ít, các đại lý cấp 2 và nhiều cửa hàng chỉ nhập cầm chừng chứ không nhập số lượng lớn như mọi năm. So với cùng kỳ năm trước, hiện tại nhà tôi bị giảm khoảng 40% doanh số nếu tính riêng mặt hàng bia.” Chủ cơ sở này cho hay.
Theo chị Đỗ Thanh Hằng, chủ cửa hàng chuyên bán rượu ngoại tại quận Mỹ Đình chia sẻ, bên cạnh việc giảm sức mua, Nghị định 100 có tác động, thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân.
“Sức mua năm nay rất kém, nhiều đại lý ở các tỉnh cũng than vãn vì doanh số sụt giảm. Trước đây, vào mỗi dịp Tết, doanh thu từ rượu của chúng tôi khoảng hơn 1 tỉ đồng. Nhiều khi khách đặt mà không có hàng để lấy, giá những ngày cận Tết tăng theo giờ. Năm nay, đến ngày 23 tháng chạp chưa bán nổi 300 triệu, sức mua giảm khoảng 60 - 70% so với các năm trước.
Ngoài ra, chị Hằng cho biết thêm, năm nay, thay vì mua rượu mạnh đắt tiền như mọi năm, người tiêu dùng mua rượu có nồng độ cồn nhẹ từ 9 - 12 độ như rượu vang ngọt, rượu mơ… “Những cá nhân mua đi biếu tặng số lượng lớn hầu như không có. Chúng tôi mất cả những khách hàng lâu năm là các cơ quan, đơn vị mua rượu làm quà cho cán bộ dịp cuối năm.” chị Hằng thông tin thêm.
Doanh nghiệp bia rượu thất thu hàng nghìn tỷ
Theo nhận định từ SSI, hiện tại, chưa có doanh nghiệp bia rượu nào chính thức lên tiếng khẳng định nguồn cung bị giảm hoặc thống kê chính xác doanh số bán ra sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. Con số này chỉ rõ ràng vào thời điểm hết quý 1/2020 khi các doanh nghiệp kinh công bố kết quả kinh doanh quý.
Trên thực tế, với tình trạng vắng khách tại các hàng quán, đại lý hiện nay, có thể dự báo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các đại gia bia rượu sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp rượu bia lớn thất thu hàng nghìn tỷ đồng
Tuy nhiên, hiện tại, tác động rõ ràng nhất với ngành bia đã có thể bước đầu nhìn thấy sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu của hai "ông lớn" niêm yết giảm khiến giá trị vốn hóa bốc hơi mạnh.
Cụ thể, với SAB, cổ phiếu này đã giảm 4.800 đồng kể từ đầu năm 2020 xuống còn 223.200 đồng sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1. Với mức giá này, cổ đông lớn nhất của Sabeco là ThaiBev đã mất đi 1.649 tỷ đồng.
Trong khi đó, Habeco với thương hiệu Bia Hà Nội cũng trải qua những phiên giao dịch giá cổ phiếu suy giảm. Sau 5 phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu BHN của Habeco giảm từ mức 75.600 đồng/cp còn 74.000 đồng. Với mức giá này, giá trị cổ phiếu BHN do cổ đông chiến lược của Habeco là tập đoàn Carlsberg sở hữu đã giảm 65 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện nghị định 100, tai nạn giao thông giảm sâu cả số vụ, số người bị chết, người bị thương.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận