Thất nghiệp ở tuổi trung niên
Khi bố Juju mất việc, ông nhờ sửa CV để ứng tuyển nơi khác cô mới ngỡ ngàng nhận ra "hồ sơ của một người nhiều tuổi đơn giản như thế nào".
"Chỉ vài câu ngắn ngủi tóm gọn cả cuộc đời", Juju viết khi chia sẻ câu chuyện của người bố 50 tuổi lên mạng xã hội Xiaohongshu. "Dấu ấn thời kỳ sóng gió để lại trên một công nhân như ông làm mắt tôi ngấn lệ".
Câu chuyện của Juju gây tiếng vang với độc giả Trung Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị vẫn trên 5% nhưng những người trạc tuổi bố của cô phải vật lộn tìm công việc mới sau khi bị sa thải.
Bài đăng thu hút hơn 40.000 lượt thích và hơn 6.000 bình luận. Khi được đăng lại trên Weibo, chúng trở thành chủ đề nóng và đạt hơn 6 triệu lượt xem.
Mọi người phản hồi bằng những câu chuyện của riêng mình. Người dùng Wuxianshiju chia sẻ khi còn là sinh viên y khoa, nhà máy nhỏ của bố cô bị phá sản trong dịch Covid-19. Dù cuối cùng cũng tìm được việc làm, nỗi vất vả của bố khiến cô thay đổi hoàn toàn. Mỗi ngày, cô đều sống trong bất an và lo sợ bố sẽ tự tử hoặc trầm cảm như trên các chương trình truyền hình. Cô còn sợ gia đình chìm trong nợ nần, sợ mình trở thành gánh nặng. Cô khóc nhiều đến mức bị trào ngược dạ dày.
Baloon, người dùng khác lại lo lắng cho bố mẹ khi việc kinh doanh trên mạng của bố bên bờ vực phá sản và bị nợ nần đè nặng. "Bố tôi làm việc vất vả nửa đời người nhưng cuối cùng lại chẳng còn gì. Ông chỉ làm doanh nhân, còn mẹ tôi ở nhà nên họ không biết cách làm nông dù có trở về làng. Họ cũng không thể bỏ sĩ diện để làm công việc bảo vệ vì họ luôn sống dư dả ở thành phố lớn".
Xinxianyijiu, 52 tuổi, một người thất nghiệp viết về nỗi đau khi tìm việc trong vài năm qua. "Tôi chưa bao giờ nghĩ phải xin việc hết lần này đến lần khác ở tuổi này. Lần nào tôi cũng thấy CV của mình mất hút, không ai trả lời, hoặc nhân sự bảo rằng tôi đã quá già. Tôi thấy sắp trầm cảm đến nơi", ông nói.
Hoàn cảnh của những lao động lớn tuổi Trung Quốc thường bị che khuất bởi khó khăn mà giới trẻ đang gặp phải. Trước khi thông báo ngừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên, Trung Quốc cho biết 21,3% người trẻ không có việc làm trong tháng 6. Theo giáo sư đại học Bắc Kinh Zhang Dandan, con số thực sự có thể lên đến 46,5%.
Lớp trung niên thất nghiệp cũng đáng sợ không kém. Li Qiang, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận China Labor Watch, chỉ ra người lao động trên 50 tuổi trong nước rất khó tìm việc trong lĩnh vực sản xuất vì nhà tuyển dụng cảm thấy người trẻ tuổi phù hợp với công việc mệt mỏi hơn. Trong khi đó, mức lương trong lĩnh vực dịch vụ thường không cao.
Theo Li, nhà máy Trung Quốc phải thay đổi cách thức tuyển dụng, mở rộng giới hạn độ tuổi để cạnh tranh với các nước chi phí thấp hơn. Việc lấp đầy các vị trí trong nhà máy ngày càng khó vì giới trẻ học thức cao hơn có xu hướng từ chối làm công nhân. Đây là một trong những lý do tỷ lệ thất nghiệp ở thành niên cao như vậy. Vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn trong tương lai. Nhà máy có thể cần điều chỉnh toàn bộ dây chuyền lắp ráp nếu tuyển người lớn tuổi.
Trong khi đó, những người thất nghiệp như bố của Juju cần phải tìm việc khác nếu không muốn sống trong khó khăn lúc về già. Theo Victor Shi, giáo sư chính trị chính sách tài chính Trung Quốc tại Đại học California (Mỹ), hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc vẫn chưa đủ tốt, nhiều người già không còn lựa chọn nào ngoài tiếp tục làm việc. Chính phủ phải làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn nhiều, cho phép mọi người được làm việc, ban hành luật chống phân biệt đối xử rõ ràng và thực thi chúng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận