Thấp thỏm âu lo khi xuất siêu kỷ lục
Những tháng gần đây, Việt Nam liên tiếp xuất siêu, con số tính tới hết tháng 9/2020 đã đạt mức kỷ lục gần 17 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất siêu thực chất là do NK giảm đi chứ không phải XK tăng trưởng quá tốt, đồng thời xuất siêu dựa chính vào khối DN FDI đang đặt ra nhiều âu lo hơn vui mừng cho nền kinh tế Việt Nam.
Xuất siêu nhờ khối FDI
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.
Đặt lên bàn cân so sánh dễ thấy 16,99 tỷ USD là con số xuất siêu kỷ lục của Việt Nam từ trước đến nay, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam.
Xung quanh câu chuyện xuất siêu từ đầu năm đến nay, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đánh giá, việc xuất siêu vượt cả các năm trước là tín hiệu không vui, chứng tỏ Việt Nam không nhập được nguyên liệu về. Từ trước đến nay, NK chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, Việt Nam không nhập được nguyên liệu do hai nguyên nhân. Thứ nhất là không có đơn hàng XK nên không nhập. Thứ hai là khi có đơn hàng XK thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được. DN mới chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước để XK chứ không nhập được cho giai đoạn sau. Thực tế này dẫn tới chuyện Việt Nam chỉ có XK mà không có NK.
Tương tự, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu. Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu từ đầu năm đến nay có điểm đáng phải lo. Đó là xuất siêu không phải do XK tăng mà do NK giảm nhiều. “NK của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, NK hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm NK nghĩa là giảm nhập tư liệu sản xuất, đó là điểm đáng lo. Xuất siêu thì mừng nhưng đáng lo nhiều hơn bởi giảm nhập tư liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai”, TS. Lê Quốc Phương nói.
Cả 2 vị chuyên gia đều nhấn mạnh vào yếu tố, xuất siêu của Việt Nam hiện nay là nhờ khối DN FDI xuất siêu, còn khối DN nội địa vẫn nhập siêu. "Xuất siêu chủ yếu do DN FDI, họ giữ được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức độ đứt gãy không nhiều như DN Việt Nam. Điều này một lần nữa nói lên việc tổ chức các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là đặc biệt quan trọng”, chuyên gia Phạm Tất Thắng phân tích thêm.
Đà xuất khẩu khó đoán định
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), con số thặng dư trong 9 tháng đầu năm nay là điểm sáng, do sự chênh lệch về tăng trưởng giữa XK và NK. Tuy nhiên, xét trong chu kỳ 9 tháng những năm gần đây, XK 9 tháng năm nay nói là tăng khá nhưng vẫn ở mức thấp (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước-PV).
Vị này dẫn chứng, năm 2019 XK 9 tháng tăng 8,4%, năm 2018 là 15,8%, còn năm 2017 là 20,6%. Trong khi đó, 9 tháng năm nay, NK giảm một phần do nhu cầu sử dụng và sản xuất bị ảnh hưởng do Covid-19. "Chúng tôi đánh giá đây là điều kiện khách quan do Covid-19. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm và năm 2021, dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, NK có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại", ông Phong nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, 9 tháng đầu năm nay, xuất siêu là do đóng góp của DN FDI. Mấu chốt của xuất siêu chủ yếu là do NK giảm đi, còn tốc độ tăng trưởng XK cũng không có gì quá đột biến. Điểm đáng quan tâm là nếu NK của quý này giảm thì quý sau khó có hàng để XK đi được.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý thêm rằng, thời gian vừa qua XK các mặt hàng liên quan nhiều đến mùa dịch, điển hình là hàng dệt may, khẩu trang y tế… khá thuận lợi. Tuy nhiên, đây không phải là mặt hàng tiềm năng cho XK trong quý sau hay dài hạn năm sau. Bởi, nguồn cung các mặt hàng này trên thị trường thế giới sẽ dần ổn định lại, không có tình trạng thiếu hụt đột xuất để Việt Nam có thể “chen chân” vào.
Về triển vọng XK thời gian tới, TS. Trần Toàn Thắng đánh giá: "Nhìn tốc độ tăng trưởng XK từ đầu năm đến nay thì khả năng thời gian tới XK có thể chỉ gia tăng tại thị trường châu Mỹ, đặc biệt là tại Mỹ. Các thị trường XK chiến lược khác của Việt Nam chiếm 50-70% tổng kim ngạch XK thời gian qua tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng XK trong thời gian tới vẫn khá rủi ro, khó xác định".
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nửa cuối năm XNK hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa. Bên cạnh đó, XK các tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) từ ngày 1/8. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Diễn biến tình hình thực tế cho thấy XK còn nhiều khó khăn. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm NK khó có thể sớm cải thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận