24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thanh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tháo gỡ khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp: Cần nguồn vốn dài hơi

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với nợ trái phiếu, nợ ngân hàng, thiếu tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn.

Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA), khó khăn phổ biến đối với các DN có quy mô vừa và lớn hiện nay là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro; vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá nghiêm ngặt; khối nợ trái phiếu sẽ tới hạn vào nửa cuối năm 2024... Trong khi các DN nhỏ và siêu nhỏ gần như cạn kiệt dòng tiền, do không thu được nợ kinh doanh, chủ nợ lại hối thúc.

Cạn kiệt dòng tiền

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Hương Quê (Hương Quê Food), cho biết DN sản xuất thực phẩm hiện nay biên lợi nhuận rất mỏng, chỉ khoảng 10% nên không chịu nổi tình trạng công nợ kéo dài trong nguyên liệu đầu vào đều phải trả tiền ngay.

"Phân phối vào kênh siêu thị, DN phải đợi 30-60 ngày mới nhận được tiền. Nếu muốn nhận tiền sớm, ví dụ như sau 15 ngày phải giảm giá 1%-2%. Điều này khiến DN gặp khó về dòng tiền. Với kênh thương mại điện tử, các sàn đồng loạt có chính sách kéo dài thời gian thanh toán cho nhà bán khiến họ bị giam tiền và cần phải có nhiều vốn hơn để duy trì việc kinh doanh" - ông Tuấn nêu.

Tháo gỡ khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp: Cần nguồn vốn dài hơi

Nhiều doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền, thiếu vốn lưu động nhưng khó tiếp cận vốn tín dụng Ảnh: LAM GIANG

Trước thực tế trên, Hương Quê Food chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu và đặt điều kiện khách hàng phải đặt cọc 50%, thanh toán 100% mới được nhận hàng. "Nếu khách hàng không chấp nhận thì mình không bán, thà mất khách còn hơn để nợ" - ông Tuấn thẳng thắn.

Giám đốc một DN chuyên về hồ tiêu và gia vị tại TP HCM cũng phản ánh năm nay giá nguyên liệu tăng cao, DN bắt buộc trả 100% tiền mới có hàng. Thế nhưng, khi bán hàng vào siêu thị, DN phải chờ từ 45-60 ngày mới nhận được tiền, chưa kể tỉ lệ hàng hư hỏng, đổi trả tăng đáng kể do sức mua yếu. Khi bán hàng vào các nhà máy cũng phải đợi sau 30-45 ngày mới được thanh toán nên DN chịu áp lực về vốn rất lớn.

"Bất động sản thanh khoản kém nên bị ngân hàng (NH) định giá thấp, hạn mức cho vay ít đi trong khi giá nguyên liệu lại tăng cao, DN phải giảm quy mô sản xuất. Trong khi đó, giới đầu cơ lại đổ tiền vào hồ tiêu đẩy giá lên cao quá mức. Nếu như đầu vụ DN có vốn dồi dào để mua hàng dự trữ thì đã không khó khăn như hiện nay" - giám đốc DN này bày tỏ.

Ông Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến (tỉnh Lâm Đồng) - chuyên cung cấp rau củ cho các cửa hàng, siêu thị, thừa nhận thiếu dòng tiền là vấn đề đau đầu của DN hiện tại. Bởi lẽ, năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn, để giữ thị trường, DN phải giảm lợi nhuận nên không có dòng tiền dồi dào. Trong khi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi DN phải đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, đắt tiền, thời gian hoàn vốn chậm hơn dự kiến nên rất thiếu vốn lưu động.

Tại hội nghị đối thoại giữa NH và DN ở TP HCM mới đây, một số DN đề xuất cơ chế thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty Chế biến Thủy sản Khánh Trang (TP HCM), băn khoăn có cách nào để DN nhỏ tiếp cận được vốn tín chấp? Bởi hầu hết tài sản đã được DN thế chấp cho những khoản vay trước đó, không còn thêm tài sản nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn lưu động.

Thúc đẩy thêm nguồn vốn khác

Về các giải pháp hỗ trợ DN, NH Nhà nước vừa chính thức kéo dài Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024 nhằm giúp người dân, DN giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng...

Đồng thời, các NH thương mại tiếp tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, thủ tục đơn giản để DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn. NH Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết vừa áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phê duyệt tín chấp cấp ngay cho DN trong 4 giờ. Theo MSB, hình thức cho vay này không cần tài sản bảo đảm, hồ sơ tối giản và có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Theo đó, DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn tín chấp lên tới 2 tỉ đồng để giải bài toán vốn lưu động phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

"Hạn mức này hỗ trợ DN nguồn vốn tức thời trong việc thanh toán gấp đơn hàng đến hạn, khi công ty mất cân đối vốn/thiếu hụt vốn lưu động tạm thời, hạn mức ở các NH khác đã hết hoặc đã có kế hoạch sử dụng hoặc trả lương nhân viên... Điểm đột phá là MSB cấp tín dụng ngay cho DN khi xử lý thông tin bằng hệ thống AI tự động" - đại diện NH này nói.

Tuy nhiên, nhiều DN tại TP HCM lại cho rằng khó khăn hiện hữu của họ là thiếu tiền để trả các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Do đó, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền. Việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hỗ trợ DN trong năm 2024 nhưng vô hình trung lại gây áp lực trả nợ kép cho DN ngay tại kỳ tiếp theo năm 2025.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản cho biết vấn đề lớn nhất của DN bất động sản, xây dựng hiện nay là không đủ điều kiện vay, không còn tài sản thế chấp trong khi đã nợ nần chồng chất. Nhiều DN đang loay hoay với nợ trái phiếu, nợ NH nên không thể được vay vốn tiếp. Vì vậy, chỉ cần có tài sản nào bán được, thế chấp được để vay là DN sẵn sàng để được tồn tại. Vấn đề quan trọng nữa là các DN bất động sản đang gặp rất nhiều vướng mắc pháp lý khi thực hiện dự án, cần được cơ quan quản lý tháo gỡ sớm để có sản phẩm bán ra thị trường, có dòng tiền để xoay xở và trả nợ.

Trước những khó khăn của DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết HUBA đang cùng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) thành lập tổ công tác xử lý và xúc tiến chương trình cho vay kích cầu. Ông cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút và bảo đảm vận hành hiệu quả nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác ngoài tín dụng NH và trái phiếu DN. Chủ tịch HUBA cũng kiến nghị NH Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho DN.

Đồng thời, yêu cầu các NH thương mại chia sẻ khó khăn với DN thông qua việc tiết giảm chi phí hoạt động, hạ thấp biên lợi nhuận định mức để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn. Trong đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ một cách phổ biến cho tất cả khoản vay trước năm 2023, các khoản vay tiêu dùng và vay cá nhân là hết sức cần thiết nhằm xử lý triệt để khối nợ đọng trong xã hội hiện nay.

"Để tồn tại trong khó khăn, các DN cần tìm cách tiết giảm các chi phí, giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, tối ưu hóa nguồn lực... Giai đoạn này, nhiều lĩnh vực đang khó khăn nhưng cũng có những lĩnh vực có thể kích hoạt được, chẳng hạn như nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, hạ tầng... DN nên tận dụng cơ hội để tập trung làm các nghiên cứu, các dự án mang tính chất đón đầu" - ông Hòa gợi ý.

Doanh nghiệp xoay trở tìm vốn

Trong thời gian chờ tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ, một số DN đã tự thân vận động, tìm cách huy động vốn để duy trì hoạt động. Như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa hoàn thành đợt phát hành 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ với số tiền tương ứng 760 tỉ đồng nợ vào ngày 28-6. Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để huy động 1.000 tỉ đồng. Mục đích là để thanh toán tiền nợ thuế, nợ trái phiếu, nợ NH, để gom quỹ đất và bổ sung vốn lưu động. Công ty CP Đầu tư Hải Phát cũng muốn phát hành cổ phiếu huy động 3.000 tỉ đồng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn.

Chưa có quy định cụ thể về vay tín chấp

Liên quan tới kiến nghị cho vay tín chấp với DN vừa và nhỏ, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, thông tin: "Không có quy định NH thương mại không được cho vay tín chấp DN, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được cho vay tín chấp. Bởi việc cho vay tín chấp sẽ tiềm ẩn rủi ro nếu khách hàng không trả được nợ, NH thương mại sẽ bị mất vốn. Do đó, mỗi NH thương mại sẽ có cách đánh giá cụ thể về vấn đề này, như DN có phải khách hàng truyền thống, điểm tín dụng thế nào, dòng tiền thu - chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của NH không?".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả