menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mỹ Hoa

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động

Hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực, tỷ lệ thất nghiệp vượt xa mức 2%, thu nhập giảm mạnh… chỉ là một vài con số cho thấy bức tranh thị trường lao động khó khăn vì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đặt ra những thách thức lớn trong thời gian tới.

Những con số đáng lo

Diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương khiến số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch trong quý III đã tăng thêm 15,4 triệu người so với quý trước. “Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập”, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021 diễn ra ngày 12/10.

Một trong những tác động lớn của đợt dịch này là khiến số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 chỉ là 49,1 triệu, giảm 2 triệu người so với quý trước. Sự sụt giảm này làm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%, giảm 2,9% so với quý trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động

Dịch cũng khiến lao động có việc làm trong quý III giảm sâu chưa từng thấy với lượng giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý này là 47,2 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm ở hầu hết các vùng trong quý III, nhưng đặc biệt tiêu cực ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng - trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây - chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Quý III/2021 cũng ghi nhận cả nước có hơn 1,8 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng với đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 4,46%, tăng 1,86% so với quý trước và tăng 1,74%. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi của vùng Đông Nam Bộ cao nhất với 7,73%, tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 6,10%.

Thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh

Một trong những số liệu đáng chú ý nhất về tình hình lao động việc làm là tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 vượt xa con số quanh 2% như thường thấy. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt tăng lên tới 3,98% trong quý vừa qua, tăng 1,36% so với quý trước. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương khiến số người thất nghiệp tăng lên, cùng lúc đó lực lượng lao động giảm mạnh đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Như một hệ quả tất yếu, thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng sụt giảm mạnh trong quý III. Theo đó, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước. Trong đó, lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất, với mức thu nhập bình quân chỉ còn 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng so với quý trước.

Trong quý III, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị giảm thu nhập nhiều nhất, với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm khoảng 1 triệu đồng so với quý trước; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn đồng so với quý trước. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng không còn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định như nhiều quý vừa qua khi thu nhập bình quân của khu vực này chỉ còn 3,4 triệu đồng, giảm 340 nghìn đồng/người so với quý trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, nhìn lại bức tranh thị trường lao động, việc làm quý III và 9 tháng cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Trong quý III, số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước… Những thực tế này đặt ra những thách thức lớn cho Chính phủ trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2021”, ông Nam nói.

Trước thực tế nhiều thách thức này, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, Tổng cục Thống kê đề xuất cần quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn chiến lược vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại