Thành tựu trong 10 năm lãnh đạo của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Trong 10 năm lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên phương diện quân sự và ngoại giao.
Cách đây 10 năm, thế giới được chứng kiến hình ảnh ông Kim Jong-un uy nghiêm đi bên cạnh chiếc xe chở linh cữu người cha là cố lãnh đạo Kim Jong-il dưới trời đổ tuyết ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Nhiều người từng bày tỏ nghi ngờ về khả năng của ông Kim, khi ông trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên ở tuổi ngoài 20. Nhưng thời gian chứng minh, ông Kim, người từng có thời gian dài du học ở Thụy Sĩ, đã nhanh chóng nắm bắt vai trò mới và đạt được nhiều thành tựu lớn.
Thành tựu quân sự và ngoại giao
Lần đầu tiên ông Kim Jong-un có bài phát biểu trước công chúng là nhân lễ kỷ niệm ngày sinh của ông nội, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào tháng 4/2012. Ngày sinh nhật của ông Kim Nhật Thành là một trong những sự kiện trọng đại nhất của Triều Tiên. Bài phát biểu của ông Kim Jong-un còn đánh dấu cho sự thay đổi trong đường lối lãnh đạo giữa hai thế hệ. Bởi bố của ông Kim Jong-un là cố lãnh đạo Kim Jong-il rất hiếm khi có bài phát biểu trước công chúng.
Chưa đầy một năm, vào tháng 2/2013, ông Kim Jong-un cho thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo. Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ 3 trong lịch sử của Triều Tiên. Động thái này được xem là thông điệp mà ông Kim Jong-un muốn gửi tới toàn thế giới nhất là Mỹ về việc ông thực sự nghiêm túc trong tham vọng phát triển hạt nhân. Trong khoảng thời gian này, ông Kim Jong-un còn cho thi hành chính sách “Pyongjin” khi vừa phát triển chương trình hạt nhân, vừa phát triển kinh tế.
Trong những năm tiếp theo, Triều Tiên đã cho đa dạng hóa năng lực quân sự chứ không chỉ bó hẹp vào phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung được Triều Tiên đưa ra thử nghiệm và thêm 3 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất cũng được tiến hành.
“Cái chúng ta nhìn thấy thực ra là hơn 10, khoảng 15 hệ thống chuyển giao hạt nhân tiềm năng đang được phát triển. Đây thực sự là con số ấn tượng”, CNN dẫn lời ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment.
Ngoài những thành tựu trên phương diện quân sự, ông Kim còn dành được “chiến thắng ngoại giao” mà cả cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il chưa làm được đó là tiến hành hội nghị thượng đỉnh với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Theo đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào năm 2018. Sự kiện được đánh giá là cơ hội giúp thúc đẩy các mối quan hệ mới giữa hai quốc gia. Tại sự kiện, ông Kim còn được nhìn thấy đi lại tự do trền đường phố Singapore và vẫn chào mọi người. Hình ảnh này hoàn toàn khác với khâu chuẩn bị kỹ lưỡng trong những lần xuất hiện trước công chúng của ông nội và bố của ông Kim Jong-un.
Theo ông Yun, cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump thể hiện nhà lãnh đạo Triều Tiên “đang tự bước ra ngoài và khẳng định vị thế của một nhà lãnh đạo trong khu vực”.
Hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thế giới gồm cựu Tổng thống Mỹ Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dù không tạo ra được bước đột phá trong vấn đề hạt nhân, nhưng cũng đã nâng tầm trên đấu trường quốc tế cho bản thân ông Kim Jong-un và Triều Tiên.
Hệ tư tưởng mới “Kimjongunism”
Vào thời điểm ông Kim Jong-un được bầu làm “Tổng bí thư” trong đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng Một, bức ảnh chân dung của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il không còn được treo trong phòng hội nghị như thường lệ.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết thêm Triều Tiên cũng đã bắt đầu thi hành hệ tư tưởng mới “Kimjongunism”.
Ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, nhận định hệ tư tưởng “Kimjongunism” ưu tiên người dân. Điều này hoàn toàn khác với cố lãnh đạo Kim Jong-il khi đặt mục tiêu phát triển quân sự lên hàng đầu.
Bà Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng ông Kim Jong-un đang cố gắng tự tạo con đường riêng cho mình.
Điều đáng nói, khác với hai người tiền nhiệm, ông Kim Jong-un đã lên tiếng thừa nhận những khó khăn của đất nước như tình trạng lương thực “căng thẳng” mà Triều Tiên đang phải trải qua.
Theo các chuyên gia, thập niên tới sẽ là giai đoạn quan trọng đối với hệ tư tưởng “Kimjongunism”, bởi ông Kim Jong-un cần hoàn thành lời hứa cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân giữa lúc phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Cũng theo giới chuyên gia, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu có thể trở thành thách thức lớn nhất trong tiến trình theo đuổi hệ tư tưởng “Kimjongunism”. Bởi các đường biên giới của Triều Tiên đã bị phong tỏa gần 2 năm qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện và khiến gần như toàn bộ hoạt động thương mại cùng hỗ trợ nhân đạo bị dừng.
Chính phủ Hàn Quốc ước tính Triều Tiên rơi vào cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng và thiếu khoảng 1 triệu tấn mỗi năm.
“Khó khăn lớn nhất đối với Triều Tiên là họ không biết tình trạng phong tỏa sẽ còn kéo dài bao lâu”, ông Cheong cho hay.
Chuyện gì sắp xảy ra?
Kể từ tháng 10, Triều Tiên chưa tiến hành thêm bất cứ vụ thử nghiệm tên lửa nào. Nhưng theo các chuyên gia, chuyện này không có nghĩa là Triều Tiên đã thay đổi chiến lược.
Nói cách khác, một số chuyên gia tin rằng việc Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm tên lửa có liên quan tới hai sự kiện quan trọng của Trung Quốc trong năm 2022 là Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và Đại hội Đảng.
“Trung Quốc không muốn có bất cứ phiền toái nào trước Thế vận hội Bắc Kinh, cũng như không muốn xảy ra tình trạng bất ổn ở bán đảo Triều Tiên trước Đại hội Đảng. Do đó, đây là lý do khiến Triều Tiên không thực hiện bất cứ vụ phóng thử tên lửa hoặc thử nghiệm hạt nhân, bởi chuyện này sẽ khiến Trung Quốc vô cùng không hài lòng”, ông Yun, người từng là đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên nhận định.
Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã được Chủ tịch Kim Jong-un đề ra hồi tháng Một bao gồm phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa siêu thanh, ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, tàu ngầm hạt nhân và vũ khí chiến lược hạt nhân phóng từ dưới nước.
Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân giữa lúc các cuộc đàm phán với Mỹ bị ngưng trệ. Cụ thể, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) báo cáo một lò phản ứng ở tổ hợp hạt nhân quy mô lớn Yongbyon của Triều Tiên đã được nối lại hoạt động.
“Từ xưa tới nay, chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên được phát triển tăng tốc trong giai đoạn quốc gia này không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào hoặc liên quan tới Mỹ”, bà Laura Rockwood, Giám đốc tổ chức Open Nuclear Network nói.
Trên thực tế, Triều Tiên dường như không phải là mục tiêu chính mà chính quyền Washington đang nhắm tới, mà thay vào đó Trung Quốc và Đài Loan mới là ưu tiên hàng đầu.
Song các chuyên gia cũng đã cảnh báo về những hậu quả nếu như Mỹ không tích cực đàm phán với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đẩy mạnh năng lực cho các loại vũ khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận