24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Thanh tra phát hiện vi phạm mà không xử lý thì pháp luật sẽ xử lý anh'

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lập thanh tra cục, tổng cục, khi nào?

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội.

Cũng có nhiều ý kiến tán thành với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Ngược lại, một số ý kiến đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tại các cơ quan này đã tổ chức đơn vị tham mưu về công tác thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra. Mặt khác, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới, do các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Về Thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập là phù hợp, khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở. Qua đó, dự thảo quy định, Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

“Hơn nữa, sau khi luật này có hiệu lực thi hành không phải ở tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra mà Chính phủ sẽ rà soát, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện thì mới được thành lập cơ quan thanh tra”, ông Tùng nêu và đề nghị cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Tuy nhiên, để việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được chặt chẽ, luật sẽ quy định rõ các tiêu chí thành lập: Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

'Thanh tra phát hiện vi phạm mà không xử lý thì pháp luật sẽ xử lý anh'
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Không để “khoảng trống” trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với việc duy trì thanh tra cấp huyện và giao cấp tỉnh quyết định thành lập. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về khoảng trống về quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là với mảng xây dựng.

Ông dẫn dụ trước kia ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có công trình vi phạm, thanh tra xây dựng nói của thành phố, nhưng thành phố lại bảo không được giao chức năng nhiệm vụ này. Đến khi khắc phục sự cố lại rất tốn kém cho xã hội. “Cần nghiên cứu thêm, không để có khoảng trống về xử lý vi phạm trật tự xây dựng”, ông Thanh lưu ý.

Giải trình về mối quan hệ giữa thanh tra tỉnh với chủ tịch tỉnh, thanh tra Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, luật sửa đổi tới đây sẽ làm rõ mối quan hệ này. Ông Phong khẳng định, khi xây dựng luật này, ban soạn thảo “không động đến tổ chức bộ máy”. Bộ Nội vụ cũng cho ý kiến rất sát về việc này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm, đoàn thanh tra phải ra kết luận. Nếu phát hiện vi phạm mà bỏ qua, sau này phát hiện ra thì trưởng đoàn và đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc rồi. “Thanh tra phát hiện vi phạm mà không xử lý thì pháp luật sẽ xử lý anh”, ông Định dẫn lời.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lý giải, dự thảo đã có quy định trong một cuộc thanh tra, trách nhiệm của trường đoàn đến đâu, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đến đâu.

“Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra của mình. Phát hiện sai phạm, anh phải có kết luận, còn nếu kết luận không vi phạm, anh phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Mặt khác, trưởng đoàn thanh tra cũng có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước chánh thanh tra”, ông Tùng lý giải.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả