Thanh tra hành chính sàn HOSE thực chất là thanh tra những nội dung gì?
Theo một số chuyên gia, việc Bộ Tài chính quyết định thanh tra hành chính sàn HoSE sợ rằng chỉ là hành động… xoa dịu nhà đầu tư. Vậy thanh tra hành chính là gì?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật Dân luật Tín Thành, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, nếu sự cố bị nghẽn lệnh có gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư, thậm chí có lãnh đạo phải bị cách chức.
Theo LS Lê Bá Thường, trường hợp có hành vi bắt tay thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính thì có thể bị xử lý hình sự. (Ảnh: NVCC).
Thanh tra hành chính là bước đầu trong xử lý
Thưa luật sư, vì sao Bộ Tài chính lại phải thanh tra hành chính HoSE?
-Theo tôi, việc Bộ Tài chính quyết định thanh tra hành chính HoSE có thể vì sự cố bị nghẽn lệnh giao dịch của các lệnh đặt mua và bán trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian qua đã kéo dài nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hậu quả của việc chậm trễ khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch làm cho các nhà đầu tư bức xúc bởi vì nó có thể gây ra những rủi ro khó lường.
Chính vì thế, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6 quyết định thanh tra hành chính tại HoSE. Còn về việc tại sao thanh tra hành chính thì có thể đây là bước đầu tiên trong quá trình xử lý.
Thế nào gọi là thanh tra hành chính, thưa luật sư?
-Trước tiên chúng ta cần hiểu thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức.
Theo luật Thanh tra 2010, thanh tra hành chính được hiểu là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Hoạt động thanh tra hành chính là việc thanh tra, đánh giá toàn diện, mọi mặt của đối tượng hoặc thanh tra, đánh giá một mặt của đối tượng. Còn đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành thì chỉ hoạt động thanh tra trong phạm vi ngành, lĩnh vực, hoạt động chuyên môn.
Theo giới đầu tư, việc nhà đầu tư mất tiền trong những phiên giao dịch đầu tuần qua có thể có sự ưu ái cho việc được quyền hủy/sửa lệnh (Ảnh: VTV1)
Nghĩa là việc thanh tra này chỉ "gói gọn" trong trách nhiệm để xảy ra nghẽn lệnh của HoSE?
-Tôi không nói vậy, phải biết rằng các giao dịch trên thị trường chứng khoán liên tục thay đổi và cập nhật sự biến động giá các cổ phiếu của các công ty nên đòi hỏi sự minh bạch tuyệt đối. Vì tính minh bạch luôn đi kèm với trách nhiệm giải trình về tình trạng nghẽn lệnh. Khi có giải trình sự cố thì chúng ta mới biết đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng nghẽn lệnh.
Các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới đôi khi cũng bị nghẽn lệnh. Tuy nhiên, các sàn chứng khoán trên thế giới chỉ xảy ra trong một vài phút, vài giờ, chứ không suốt hơn 3 tháng như ở Việt Nam. Nếu sự cố bị nghẽn lệnh có gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư, thậm chí có lãnh đạo bị cách chức.
Về tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán trong thời gian qua có thể chỉ là sự cố không mong muốn. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE cũng đã cố gắng khắc phục sự cố này.
Tuy nhiên, với sự cố bị nghẽn lệnh trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch HoSE cũng phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Nếu sự việc chỉ là sự cố không mong muốn thì lãnh đạo của cơ quan quản lý có thẩm quyền về sàn chứng khoán cũng nên có câu giải thích rõ ràng để cho các nhà đầu tư yên tâm.
Phạt nặng nếu thao túng thị trường chứng khoán
Hiện nay, pháp luật quy định thế nào về hành vi thao túng chứng khoán, thưa luật sư?
-Mục tiêu của việc thao túng thị trường chứng khoán là để thu lợi bất chính cho một cá nhân hay tổ chức.
Khoản 3 Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019 đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt để xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, và hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP cũng đã quy định rõ các hành vi được xem là giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.
Nếu sự cố bị nghẽn lệnh có gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư, thậm chí có lãnh đạo bị cách chức... (Ảnh: NVCC).
Những thiệt hại của các nhà đầu tư trong thời gian qua do sự cố nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán khiến họ hoài nghi liệu có phải do tổ chức hay cá nhân nào đó đã thao túng thị trường chứng khoán để trục lợi. Nếu có thì hành vi này sẽ pháp luật xử lý như thế nào?
-Nếu trong trường hợp là do lỗi của tổ chức hay cá nhân nào cố tình gây ra sự cố để trục lợi thì tổ chức hoặc cá nhân đó có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật với tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán", theo Điều 211 BLHS 2015 sẽ bị xử phạt như sau:
Đối với cá nhân: Nếu cá nhân thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (khoản 2 và 3 Điều 211 BLHS 2015).
Đối với pháp nhân thương mại: Tùy theo mức độ của hậu quả gây ra, có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (khoản 4 Điều 211 BLHS 2015).
Xin cảm ơn luật sư!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận