menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Chung Chính

Thanh tra, giám sát tiến gần hơn chuẩn mực quốc tế

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế là một trong những nhiệm vụ được đánh giá rất quan trọng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn

Việc thay đổi cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) theo Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ký đã là một trong những bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những thay đổi trong cơ cấu, chức năng hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã gần với thông lệ quốc tế hơn, giám sát theo quy mô, mức độ phát triển của nền kinh tế.

Ông đánh giá thế nào về vai trò, hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời gian qua?

Hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời gian qua cải thiện một bước quan trọng, tập trung nổi bật ở một số hoạt động sau: thanh tra chuyên ngành, giám sát từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đây cũng là hoạt động nổi bật nhất trong công tác thanh tra, giám sát. Hoạt động thanh tra giám sát để hoàn thiện các tiêu chí an toàn hệ thống theo chuẩn mực quốc tế và để tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém đã đạt được kết quả bước đầu. Kỷ luật thanh tra giám sát được củng cố một bước.

Bước đầu đã có xúc tiến việc ứng dụng chỉ tiêu an toàn hệ thống theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt áp dụng chuẩn mực Basel II cho một số ngân hàng lớn. Vì thế hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua phục hồi khá nhanh cả về chất lượng tài sản và khả năng sinh lời cũng như các tiêu chí an toàn. Tuy nhiên, công tác thanh tra giám sát trong thời gian qua vẫn còn phân tán, vùng miền, trong khi hoạt động ngân hàng có tính thống nhất.

Vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ phận của cơ quan thanh tra giám sát chưa đảm bảo chặt chẽ thông suốt. Do đó, theo tôi, việc đổi mới là cần thiết và nên theo hướng tập trung về chính sách, cơ chế, thanh tra giám sát để dễ dàng áp dụng công nghệ thông tin, đồng thời cấu trúc theo quy mô và loại hình hệ thống ngân hàng để phù hợp với các chuẩn mực an toàn và mức độ tiệm cận các chuẩn mực về thanh tra giám sát của thế giới.

Thanh tra, giám sát tiến gần hơn chuẩn mực quốc tế

Theo ông những thay đổi về cơ cấu tổ chức hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg sẽ có tác động như thế nào?

Tôi cho rằng, những thay đổi trong cơ cấu, chức năng hoạt động của Cơ quan Thanh tra giám sát, ngân hàng đã gần với thông lệ quốc tế hơn, giám sát theo quy mô, mức độ phát triển của nền kinh tế.

Thay vì giữ 11 đơn vị vụ, cục, theo Quyết định 20, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ còn 8 đơn vị vụ, cục. Nổi bật ở đây không chỉ là việc tinh gọn bộ máy hoạt động, mà mô hình hoạt động của cơ quan này phân chia theo nhóm ngân hàng và loại hình hoạt động, tránh chồng chéo, đảm bảo quản lý giám sát hiệu quả hơn.

Đơn cử, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác thanh tra chuyên ngành, thực hiện thanh tra, giám sát, cấp phép theo quy định với nhóm NHTMNN, TCTD nước ngoài… Còn Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thực hiện những công việc trên với nhóm NHTMCP, TCTD phi ngân hàng… Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III lại thực hiện việc thanh tra, giám sát, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động, an toàn hoạt động, cấp phép ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô…

Việc thực hiện giám sát gắn liền với cấp phép như tôi nói ở trên là gần chuẩn mực quốc tế. Hoạt động cấp phép sát với thực tiễn thanh tra đồng thời đảm bảo tính chuẩn xác và phù hợp với thực tế, gắn thanh tra tại chỗ với giám sát từ xa có điều kiện hỗ trợ cho nhau. Vì giám sát thường phát hiện vấn đề còn thanh tra tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm của vấn đề và tìm giải pháp xử lý kịp thời. Sự phối kết hợp này tạo ra những phản ứng nhanh nhạy giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ.

Điểm mới nữa là mô hình trước đây thì thanh tra chung, còn hiện tại thanh tra theo từng khu vực ngân hàng sát sao. Ngoài ra, mô hình mới về thanh tra giám sát tương đối tập trung, không bị phân tán và như vậy phù hợp với quản lý ngân hàng hiện đại sử dụng công nghệ thông tin là chủ yếu. Trước cơ sở thông tin chưa cập nhật dựa nhiều vào dữ liệu thống kê từ thanh tra tại chỗ. Còn hiện tại nhờ hỗ trợ từ công nghệ thông tin những giao dịch bất thường tại ngân hàng nào đó sẽ bị phát hiện ngay để xác định giao dịch đó bình thường hay không bình thường, giao dịch có liên quan đến công ty có liên quan, đầu tư ngoài ngành, sụt giảm tiêu chí an toàn.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế là một trong những nhiệm vụ được đánh giá rất quan trọng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam. Theo ông đâu là những giải pháp then chốt để đạt được mục tiêu này?

Chốt chặn quan trọng nhất theo tôi là giám sát an toàn hệ thống, là phát hiện xu thế của tất cả các chính sách, các yếu tố vĩ mô khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như trái phiếu, cổ phiếu, thị trường hối đoái, thị trường phái sinh, thị trường bất động sản, rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế, phối hợp thanh tra tại chỗ để giải quyết. Giám sát tốt đến mấy mà chính sách, dự báo chưa tốt vẫn rủi ro. Kinh nghiệm những quốc gia tưởng như giám sát rất vững chắc nhưng nếu phối hợp giữa các bộ phận giám sát không chặt chẽ vẫn xảy ra rủi ro.

Ví dụ, ở Mỹ luôn có nhân viên thanh tra, giám sát ngân hàng “nằm vùng” tại 4 ngân hàng quốc gia, nhưng khủng hoảng liên quan đến các ngân hàng này vẫn diễn ra vào năm 2008. Do đó, điều quan trọng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, thanh tra giám sát, giám sát an toàn, thanh tra tại chỗ, thì mới có thể tạo ra nền tảng an toàn để phát triển hệ thống.

Nhưng dù là mô hình mới, hay cũ vẫn còn những ưu, nhược điểm của nó. Điều quan trọng theo tôi ở đây là vai trò của cơ quan quản lý sẽ phải quan tâm rất sát sao đối với hoạt động của cơ quan này, vốn được coi là cánh tay phải đắc lực giúp cho hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, hệ thống thanh tra giám sát rất cần một đội ngũ chuyên gia lành nghề, chuyên nghiệp, thành thạo công nghệ thông tin, có kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp vững chắc mới có thể phát huy tối đa những lợi thế về tổ chức và nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo ổn định vững chắc khu vực tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại