"Thanh tra dày đặc nhưng phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì rất ít"
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận nhìn nhận thanh tra cấp huyện thời gian qua hoạt động không quá hiệu quả, nhưng đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.
Liên quan đến Luật thanh tra (sửa đổi), đa số thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra. Các thành viên này đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Vậy, nên bỏ hay giữ nguyên thanh tra cấp huyện là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm, các đại biểu quốc hội cũng sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra. Để có thêm cái nhìn đa chiều, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau).
NĐT: Thưa đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã cho ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), theo ông việc sửa đổi Luật Thanh tra đã thực sự cần thiết?
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Về Luật thanh tra (sửa đổi), tôi cho rằng việc sửa đổi là rất cần thiết. Mặc dù luật đã tồn tại một thời gian dài, tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng rất nhiều cuộc thanh tra chồng lấn với nhau hết cơ quan thanh tra này tới cơ quan thanh tra khác.
Có chuyện thanh tra tỉnh xuống thanh tra, thanh tra nghành tới thanh tra Chính phủ xuống thanh tra cho nên có những năm rất nhiều cuộc của nguyên một đơn vị.
Để phục vụ một cuộc thanh tra, cả cơ quan phải chuẩn bị các số liệu rồi chuẩn bị tài liệu hồ sơ rất mất thời gian. Một cuộc thanh tra như vậy kéo dài cả vài tháng trời. Như vậy, làm ảnh hưởng rất lớn tới các chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan. Cho nên chúng ta phải tính toán lại.
Thêm vào đó cần nhìn nhận về hiệu quả của các cuộc thanh tra. Hầu hết các cuộc thanh tra dày đặc nhưng phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì rất ít.
Có những nơi khi thanh tra vừa đi khỏi, cơ quan thanh tra khác vào thanh tra thì lại phát hiện ra những vụ tham nhũng tiêu cực rất lớn mà nó lại ở chính ngay lĩnh vực mà cơ quan thanh tra mới vừa đi khỏi. Đây là những vấn đề tồn tại yếu kém trong thời gian qua, cần phải có điều chỉnh.
NĐT: Bên cạnh những tồn tại trên, theo đại biểu, Luật thanh tra (sửa đổi) còn cần phải điều chỉnh thêm những điều khoản nào?
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Tôi cho rằng chúng ta phải điều chỉnh cho tốt để làm sao ngăn chặn được tham nhũng tiêu cực, kể cả ngay trong lực lượng thanh tra.
Dư luận cũng đặt vấn đề tại sao cùng một nội dung mà khi đoàn thanh tra này đến không sao nhưng đoàn thanh tra khác kiểm tra thì lại phát hiện ra những sai phạm hết sức nghiêm trọng?
Lực lượng thanh tra cũng cần phải có trách nhiệm làm sao để việc thanh tra có hiệu quả, và cán bộ thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm về việc của mình.
Ngoài ra, một số quy định chưa hợp lý. Tôi lấy ví dụ bây giờ Chánh Thanh tra phải ký quyết định thành lập đoàn thanh tra. Chánh Thanh tra không trực tiếp thanh tra mà trưởng đoàn đi thanh tra, sau khi về báo cáo kết quả nếu có vấn đề gì sơ sót thì Chánh Thanh tra phải chịu trách nhiệm, đây cũng là một trong những vấn đề nên nghiên cứu, xem xét lại quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, điều chỉnh làm sao cho hợp lý, tạo điều kiện cho trưởng ngành mạnh dạn hơn trong các nội dung mà mình quyết định.
NĐT: Như đại biểu vừa phân tích về sự cần thiết sửa đổi Luật thanh tra, tuy nhiên vừa qua tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật này, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ thanh tra huyện để giảm đầu mối, tinh giản biên chế nhưng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình và đề nghị giữ cấp thanh tra này. Ý kiến của đại biểu như thế nào, đại biểu có đồng ý bỏ thanh tra cấp huyện?
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Tôi không đồng ý việc bỏ thanh tra cấp huyện. Bởi, tổ chức bộ máy của chúng ta thống nhất từ Trung ương cho tới cơ sở.
Nếu nói thanh tra số lượng ít, biên chế ít không làm được việc như vậy thì phòng Tư pháp cấp huyện sẽ như thế nào?
Chúng ta thường quan tâm tới cấp Trung ương, cấp mà theo tôi nếu cần thiết là giảm ngay thanh tra của các bộ, nghành Trung ương.
Tôi chỉ đặt câu hỏi, mỗi một tỉnh có ít nhất trên 100 xã, khoảng 10 đơn vị hành chính của huyện và thành phố, khoảng trên 100 xã thì thanh tra tỉnh liệu có đảm đương nổi, quán xuyến nổi hết hay không?.
Thật sự mà nói, thanh tra huyện thời gian vừa qua hoạt động không quá hiệu quả, tuy nhiên đã góp phần rất tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi, thường những vụ việc vừa phải, nhỏ nhỏ ở cấp xã, cấp huyện thì thanh tra cấp huyện có thể vào cuộc.
Việc thanh kiểm tra các cấp không phải là để “vạch lá tìm sâu” mà còn hướng dẫn nghiệp vụ cho anh em để anh em làm tốt hơn, góp phần ngăn ngừa những vụ sai phạm rất nhiều trong cả nước. Nếu còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất được thì kỳ họp tới tôi sẽ ý kiến về điều này.
NĐT: Ngoài vấn đề về Luật thanh tra (sửa đổi), đại biểu còn quan tâm đến dự án Luật nào khác sẽ trình kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV?
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Tôi còn quan tâm đến một số luật về khám chữa bệnh,các hệ thống luật liên quan tới Luật Giao thông đường bộ. Đây là những luật mà Quốc hội khóa trước chưa thông qua thì lần này tiếp tục xin ý kiến. Những luật này không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả các đại biểu đều rất quan tâm.
Trong xây dựng luật, luật nào cũng rất quan trọng, tùy theo khả năng tiếp cận của từng người thì sẽ đều có những đóng góp tích cực. Theo tôi, luật nào cũng quan trọng, và luật nào cũng sẽ được quan tâm như nhau. Với tư cách là ĐBQH tôi luôn ở trạng thái tinh thần có thể chuẩn bị tham gia vào tất cả các luật, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
NĐT: Thêm một câu hỏi cuối cùng, vấn đề mà đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng, trưởng ngành trong kỳ họp tới đó là gì?
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Điều mà các đại biểu quan tâm nhất trong phiên chất vấn trả lời chất vấn đó chính là những tồn tại, sơ sót trong thời gian vừa qua của các bộ, ngành. Còn dư luận gần đây quan tâm tới rất nhiều vấn đề về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch vừa qua và những dự án có tính chất khá lớn và khá nghiêm trọng có ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.
Bên cạnh đó, là cử tri Đồng bằng sông Cửu Long nên tôi rất quan tâm về phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông của đồng bằng sông Cửu Long, giá nông, thủy, hải sản; xây dựng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long…
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu về cuộc trao đổi này
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận