Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc chuyển đổi đất dự án Thái Hưng Eco City
TTCP sẽ kiểm tra, rà soát các nội dung việc thu hồi và cho thuê đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu đô thị Thái Hưng Eco City.
Kiểm tra việc chuyển đổi đất dự án Thái Hưng Eco City
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông qua chương trình, kế hoạch làm việc về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên liên quan đến kết luận thanh tra số 1046/KL-TTCP ngày 01/7/2021.
Theo kế hoạch, Tổ công tác của TTCP sẽ kiểm tra, rà soát các nội dung việc thu hồi và cho thuê đất của Công ty luyện cán thép Gia Sàng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City).
Tổ công tác cũng sẽ làm việc trực tiếp với ông Lê Xuân Hộ, bà Vũ Thị Kiều Oanh và Công ty CP Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng); kiểm tra thực địa Dự án Thái Hưng Eco City và Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng tại khu đất.
Dự kiến, Tổ công tác của TTCP sẽ làm việc trong 5 ngày (từ ngày 15 đến hết ngày 21/6/2022) và tổng hợp Báo cáo TTCP để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả làm việc theo đúng quy định.
Tại Kết luận thanh tra 1046 nói trên, TTCP kiến nghị địa phương kiểm tra, xác định lại giá đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án Thái Hưng Eco City.
Nguồn gốc đất vàng Thái Hưng Eco City
Được biết, dự án Thái Hưng Eco City (sau có tên thương mại là Crown Villas) tọa lạc tại tổ 14, phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên; do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 2.100 tỷ đồng, có diện tích đất hơn 354.230 m2.
Đây là khu đất gồm gần 22 ha đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đất Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng) và hơn 13 ha đất mở rộng thêm. Các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại (shophouse), nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại.
Về nguồn gốc khu đất nói trên, tháng 7/2016, Thái Hưng tham gia mua đấu giá tài sản của Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng và trúng đấu giá tài sản với số tiền gần 57 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng.
Chỉ sau vài tháng hoạt động, cuối năm 2016, Thái Hưng cho nhà máy dừng hoạt động với lý do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều và cho tháo dỡ nhà máy thép dù trước đó khi đấu thầu đã cam kết không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các bên liên quan.
Ngay tại vị trí của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng, Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện dự án Thái Hưng Eco City và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tháng 11/2017.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City.
Từ việc thuê đất để tái sản xuất kinh doanh "biến" thành sở hữu "đất vàng" xây dựng dự án nghìn tỷ khiến dư luận không khỏi hoài nghi, liệu rằng mục đích thực sự của Công ty Thái Hưng trong những thương vụ trước đó tại Gang thép Thái Nguyên và Luyện Cán thép Gia Sàng không phải là vực dậy kinh doanh sản xuất tại 2 doanh nghiệp này mà là lô "đất vàng" của Thép Gia Sàng đang sở hữu?
Liên quan đến dự án này, tại Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 01/01/2010 - 31/12/2018), TTCP đã chỉ ra rằng, Công ty Thái Hưng là đơn vị trúng đấu giá khối tài sản bao gồm toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, vật kiến trúc gắn liền với đất thuê của Nhà nước thu tiền hàng năm trên diện tích đất 22.862m2 đất, mục đích sản xuất kinh doanh.
Việc UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi đất của Công ty luyện thép Gia Sàng để cho Công ty Thái Hưng được tiếp tục thuê, theo thời hạn còn lại và sử dụng vào mục đích kinh doanh là phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 189 Luật Đất đai 2013 và khoản 5, Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Thái Hưng Eco City, theo TTCP là phù hợp với kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013, điểm e, khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, TTCP cũng kiến nghị kiểm tra, rà soát lại giá đất giao cho Công ty Thái Hưng theo từng vị trí, đảm bảo chính xác, đúng quy định, phù hợp với thị trường.
Tuy nhiên, kết luận của TTCP lại đang mâu thuẫn với báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 5/2020.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ định Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư dự án Thái Hưng Eco City trong khi Công ty chưa có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định tại Điều 22, 23 của Luật Nhà ở. Cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do pháp luật đất đai chưa quy định rõ đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất có thuộc diện đấu giá hay không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Có thể thấy sự mâu thuẫn của hai cơ quan là TTCP và Kiểm toán Nhà nước tại dự án Thái Hưng Eco City.
Cần phải nói rằng, dự án Thái Hưng Eco City của Công ty Thái Hưng nằm trên lô đất vàng có vị trí đắc địa của TP.Thái Nguyên. Nếu mang lô đất này ra đấu giá có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, việc Công ty Thái Hưng nộp bao nhiêu tiền thuế đất cho tỉnh Thái Nguyên từ dự án này thì vẫn còn là một "ẩn số".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận