Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” nhiều dự án sai phạm tại Thái Bình
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (năm 2011 - 2016) và đất đai, môi trường (năm 2006 - 2016). Trong đó, phải kể đến hàng loạt dự án bị “bêu tên” bởi những sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện.
Căn cứ theo kết luận thanh tra, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn còn nhiều sai sót.
Tại dự án Khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), trong quá trình thực hiện, UBND huyện Thái Thụy đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ (BTHT) và đã chi trả một phần tiền cho người dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, hộ gia đình (năm 2005) dẫn đến khiếu nại của một số hộ dân. Việc không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, hộ gia đình của UBND huyện Thái Thụy là vi phạm quy định tại Điều 130 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 30/10/2004 của Chính phủ. Dự án đã chậm tiến độ kéo dài nhiều năm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và UBND huyện Thái Thụy không bố trí được tài chính để thực hiện dự án. Nhằm tháo gỡ khó khăn, ngày 03/8/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Văn bản số 2788/UBND-CTXDGT giao liên danh Cty CP sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Cty CP Lam Sơn Thái Bình làm chủ đầu tư dự án. Liên danh có trách nhiệm xử lý các tồn tại của dự án, tiếp tục bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân. Nhưng đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình vẫn chưa hoàn thành thủ tục để giao nhà đầu tư mới thực hiện dự án theo quy định. Như vậy, việc UBND tỉnh Thái Bình có Văn bản số 2788/UBND-CTXDGT giao Liên danh Cty CP sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Cty CP Lam Sơn Thái Bình làm chủ đầu tư, trong khi chưa xử lý việc đã giao UBND huyện Thái Thụy làm chủ đầu tư trước đây là chưa tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Thái Thụy, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Tại dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng (phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình) do Cty CP xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam (BID GROUP) làm chủ đầu tư; quá trình lập hồ sơ để thực hiện dự án có một số thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục. Việc UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực thực hiện dự án với nội dung chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất công trình công cộng sang đất ở khi chưa thực hiện đầy đủ các bước để được điều chỉnh là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 16; Điều 47, Luật Quy hoạch đô thị. Chủ đầu tư (BID Group) chưa lập để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 34 hộ dân (mặt đường phố Lê Quý Đôn và Trần Hưng Đạo), tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện của các hộ dân này. UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư trong khi chủ đầu tư (BID) chưa lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 3689/QĐ-UBND ngày 30/9/2016) là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.
UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 22; Khoản 2, Điều 17 Nghị định 15/2015/NĐ-CP; Khoản 4, Điều 28 Luật Đầu tư công 2014. UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đưa khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư với số tiền là 15.699.712.000 đồng là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính. Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được triển khai thực hiện. Trách nhiệm thuộc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Tài chính và Chủ đầu tư, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Tại dự án Khu quy hoạch dân cư phường Kỳ Bá, Quang Trung, TP Thái Bình do Cty TNHH phát triển Đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư, cho đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được giao đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Trách nhiệm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thái Bình và chủ đầu tư dự án, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Một số tồn tại, vi phạm khác về đất đai trên địa bàn gồm: Chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của đất lúa sang đất khác, đất nông nghiệp sang đất khác; xây dựng trái phép nhà, công trình trên đất nông nghiệp và xây nhà kiên cố. Các sai phạm tập trung tại các huyện: Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Tiền Hải, Hưng Hà và TP Thái Bình đã vi phạm quy định tại Điều 36, Điều 107, Luật Đất đai năm 2003.
Tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang an toàn, vi phạm quy hoạch xây dựng diễn ra tràn làn ở các huyện: Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà (vi phạm quy định tại Điều 143, Luật Đất đai năm 2003).
Việc giao đất trái thẩm quyền tại một số huyện, vi phạm Điều 15, Luật Đất đai 2003, gồm huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà (riêng các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, xảy vi phạm trước thời điểm năm 2006, nhưng chưa được xử lý dứt điểm).
Còn có trường hợp khi xây dựng các công trình công cộng nhưng không có quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền, ở các huyện Đông Hưng và Tiền Hải đã vi phạm quy định tại Điều 15, Điều 107, Luật Đất đai năm 2003.
Một số hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuê đất sử dụng không đúng mục đích tại huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Thụy, vi phạm quy định tại Điều 15 Luật Đất đai 2003. Một số trường hợp sử dụng đất nhưng không có thủ tục về đất đai và chưa có đầy đủ hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính, gồm huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải, Thái Thụy, Hưng Hà, Kiến Xương và TP Thái Bình. Điều này vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ, Điều 15 Luật Đất đai 2003.
Còn có một số trường hợp ký hợp đồng thuê đất nhưng không ghi nguyên tắc điều chỉnh giá theo kỳ hạn. Toàn tỉnh có 88 tổ chức (143 địa điểm) với diện tích 1.241.258,6m2 tại các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Vũ Thư, Quỳnh Phụ và TP Thái Bình. Vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ, Điều 15 Luật Đất đai 2003.
Việc quản lý và sử dụng đất công ích tại hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh còn thiếu chặt chẽ, như không có hợp đồng cho thuê, chủ yếu cho thuê khoán qua Sổ bộ, có trường hợp có hợp đồng cho thuê nhưng không qua đấu thầu; có trường hợp cho thuê với thời gian dài vượt thẩm quyền của cấp xã (cho thuê với thời hạn 10-15 năm); diện tích sử dụng thực tế lớn hơn diện tích được thuê..., vi phạm quy định tại Điều 143 Luật Đất đai năm 2003.
Về nợ đọng tiền sử dụng đất, từ năm 2006 - 2016, tổng số còn nợ là 22.228 triệu đồng, gồm các huyện: Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Kiến Xương, Tiền Hải, TP Thái Bình, vi phạm Khoản 3, Điều 107 Luật Đất đai 2003.
Đất ven sông, ven biển tại huyện Thái Thụy, năm 2006, diện tích đất nuôi trồng thủy sản ven bờ là 1.288,15 ha. Đến năm 2016, diện tích đất nuôi trồng thủy sản ven bờ là 997,46ha. Giảm 290,69ha do chuyển sang đất cụm công nghiệp, đất đắp đê và do thay đổi dòng chảy của cửa sông, cửa biển. Hiện nay các hộ dân đang sử dụng, nhưng không có hợp đồng cho thuê, không thực hiện nghĩa vụ về tài chính đối với nhà nước, dẫn đến nguy cơ vừa không quản lý được, vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước, vi phạm quy định tại Điều 143 Luật Đất đai năm 2003.
Mặc dù UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra để xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra tại các địa phương trong tỉnh, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời theo quy định pháp luật. Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc UBND các cấp, ngành Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và cơ quan Thuế các cấp. Hàng loạt dự án đang triển khai tiếp tục bị “bêu tên” trong kết luận thanh tra.
Tại dự án Khu đô thị Tây Quốc lộ 10 (huyện Đông Hưng): Theo các Hợp đồng vay vốn và thanh toán cho Nhà thầu thi công thì UBND huyện Đông Hưng đã huy động số tiền 50,33 tỷ đồng, tương ứng với diện tích 40.762m đất phải bàn giao cho các Cty đã ứng vốn. Việc giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm quy định tại Điều 62 Nghị định 181/2004/ND-CP, Điểm c, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2003. Ngoài ra, cần tiếp tục kiểm tra, làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 50,33 tỷ đồng (45,2 tỷ đồng + 5,13 tỷ đồng) của UBND huyện Đông Hưng nhận từ các Cty góp vốn và nhà thầu thi công liên quan quá trình thực hiện dự án.
Đến thời điểm thanh tra, phần diện tích 12,789ha đất còn lại của dự án, UBND tỉnh chưa giao cho chủ đầu tư là Liên danh Cty Phú Hưng - Lam Sơn để hoàn chỉnh hạ tầng, dẫn đến chậm tiến độ đầu tư của dự án. Trách nhiệm thuộc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Đông Hưng, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Tại dự án Nhà ở xã hội do Cty TNHH PT Đô thị và Xây dựng 379 làm chủ đầu tư: Việc UBND tỉnh Thái Bình đưa cả diện tích bãi đỗ xe và diện tích đất ở thương mại để tính 20% diện tích đất thương mại được miễn tiền sử dụng đất là không đúng quy định pháp luật. Chủ đầu tư được giao đất từ năm 2009, nhưng đến năm 2017 cơ quan chức năng của tỉnh mới xác định tiền sử dụng đất của dự án phải nộp là vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính. Trách nhiệm thuộc Hội đồng định giá đất của tỉnh, các Sở ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế và chủ đầu tư dự án, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Vi phạm trong quản lý và sử dụng đất của Cty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh và bà Hoàng Thị Phương - Giám đốc Cty Phương Anh ở nhiều dự án. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do Cty Phương Anh làm chủ đầu tư, trên tổng diện tích là 266.256,2m2, thi công từ năm 2010 đến năm 2017, nhưng đến nay chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh là vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và xây dựng.
Cty Phương Anh được cấp Giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5ha tại Khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà và đã khai thác cát nhưng không thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất đai là vị phạm các Điều 15, Điều 107 Luật Đất đai 2003.
UBND huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân và bàn giao cho bà Hoàng Thị Phương và Cty Phương Anh sử dụng với tổng diện tích là 80.416,64m2 đất để làm bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Hà, nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất đai là vi phạm quy định tại các Điều 15, Điều 107 Luật Đất đai 2003.
UBND huyện Hưng Hà có quyết định cho bà Hoàng Thị Phương thuê tổng diện tích đất là 30,9ha gồm: 10ha (cho thuê năm 2012, phần diện tích 10ha đất này trùng với 7,5ha đất Cty Phương Anh khai thác cát) và 20,9ha (cho thuê năm 2013, đã được UBND huyện Hưng Hà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG142200 ngày 30/10/2013) tại Khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà để làm bãi chế biến khai thác vật liệu xây dựng và thực hiện dự án xây dựng trang trại, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, thời hạn thuê đất 40 năm (đến năm 2053). Đến nay bà Hoàng Thị Phương chưa nhận được Thông báo để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, tuy nhiên UBND huyện Hưng Hà đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Thị Phương (phần diện tích 20,9ha) là chưa đảm bảo quy định pháp luật về đất đai. Ngoài ra, cơ quan chức năng huyện Hưng Hà chưa tiến hành thực hiện các thủ tục để yêu cầu bà Hoàng Thị Phương thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai là vi phạm quy định tại các Điều 15, Điều 107, Điều 123 Luật Đất đai 2003.
Đến thời điểm thanh tra, dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Chợ Kỳ Bá, TP Thái Bình thực hiện các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, xây dựng, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng thực tế đã thi công xong phần hạ tầng kỹ thuật, xây thô xong phần shophouse và các kiốt. Trách nhiệm thuộc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Công Thương và Cục thuế, UBND TP Thái Bình, các đơn vị có liên quan và chủ đầu tư dự án, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Ở dự án đầu tư xây dựng cụm dân cư và Trung tâm thương mại Tổ 34 (phường Trần Lãm, TP Thái Bình) do Cty CP phát triển đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư: Cty đã ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng khi chưa làm các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với nhà nước. Cty có quyết định giao đất và đã ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng từ năm 2005, nhưng không thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước tại năm 2005. Đến năm 2010, UBND tỉnh cho phép đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo giá tính tiền sử dụng đất đã xác định từ năm 2005 là vi phạm quy định tại các Điều 15, Điều 107 Luật Đất đai 2003. Trách nhiệm thuộc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và Cục thuế, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Tại dự án nâng bãi ổn định về biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31 -700 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ và Dự án nắn tuyến đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy, UBND tỉnh đã cho triển khai thực hiện các dự án, ứng vốn cho các nhà thầu thi công, trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định (chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 149,14ha rừng phòng hộ, chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án, chưa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân, diện tích 170,86ha…) Tuy nhiên, với dự án này UBND tỉnh đã chủ động khắc phục trước thời điểm thanh tra. Trách nhiệm thuộc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Thái Thụy, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: Việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn 6 cơ sở chưa được xử lý triệt để, có 3/6 Khu công nghiệp (Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải) và 37/38 Cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp chủ yếu tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, một số cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải, khí thải... chưa đạt yêu cầu. Các Làng nghề (Chạm bạc Đồng Xâm, Dệt nhuộm Thái Phương, Bún bánh Vũ Hội) hệ thống nước thải sản xuất đều không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. Trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu là ngành Tài nguyên Môi trường, chủ đầu tư các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm chung thuộc UBND các cấp.
Trong 6 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã tích cực tổ chức thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và đất đai, môi trường trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng qua các năm tại một số sở, ngành, số lượng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng nên chưa phát huy hiệu quả tích cực. Và công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại các sở, ngành, một số huyện, thành phố chưa được tiến hành thường xuyên, còn có đơn vị chưa tổ chức triển khai thực hiện.
Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND một số huyện, thủ trưởng một số sở, ngành chưa đầy đủ theo quy định tại các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy và Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng. Đồng thời không ban hành thông báo kết luận tiếp công dân, chỉ đạo sau các buổi tiếp công dân định kỳ. Năng lực và trình độ của một số cán bộ tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như ghi chép sổ sách chưa đầy đủ. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Sở, ngành và cấp huyện còn chậm được giải quyết, trình tự, thủ tục giải quyết và việc lập, quản lý hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định.
Một số cuộc thanh tra tại một số sở, ngành và cấp huyện chưa đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục. Cụ thể, không phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, không phân công thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Các ghi chép nhật ký thanh tra chưa đảm bảo theo quy định và việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra của một số sở ngành, các huyện, thành phố chưa đảm bảo quy định. Một số cuộc thanh tra thời gian còn kéo dài, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa triệt để, nên hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng hiệu quả còn chưa cao. Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ theo quy định về trình tự, thủ tục. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị của các cấp, ngành còn nhầm lẫn.
Trên cơ sở kết quả thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (năm 2011 - 2016) và đất đai, môi trường (năm 2006 - 2016).
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thực hiện một số nội dung: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân. Rà soát và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của một số công dân do Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã chuyển đến UBND tỉnh Thái Bình trong thời gian thanh tra tại địa phương, báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ, tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài.
Tăng cường công tác đối thoại với công dân trong giải quyết khiếu nại; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở. Chỉ đạo các cấp, ngành của tỉnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng; chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra phòng, chống tham nhũng tập trung tại một số ngành, lĩnh vực, địa phương để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh Thái Bình tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận