Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm tỷ đồng
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tóm tắt kết quả công tác 10 tháng. Theo báo cáo, đến ngày 31/10, Bộ đã thực hiện 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất (đạt 143%).
Trong đó, có 14 đoàn theo kế hoạch năm 2022 gồm 2 đoàn thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng tại Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; 3 đoàn thanh tra công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại 3 tỉnh Lào Cai, Hậu Giang, Tuyên Quang.
Ngoài ra, có 10 đoàn thanh tra hai chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại 8 tỉnh, thành phố Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Long An; 1 đoàn thanh tra hành chính tại Văn phòng Bộ Xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ tại 22 đơn vị thuộc Bộ.
Theo báo cáo, cơ quan thanh tra của Bộ Xây dựng đã ban hành 28 kết luận thanh tra. Qua đó, kiến nghị nhiều nội dung đáng chú ý như rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết, quản lý, giám sát quá trình thực hiện.
Các kết luận cũng kiến nghị việc rà soát toàn bộ các đồ án đã đến kỳ rà soát theo quy định để xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, nhấn mạnh việc cần chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, nhất là đối với việc điều chỉnh chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc.
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị việc chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng, thực hiện đầy đủ việc kiểm tra xây dựng theo giấy phép xây dựng quy định; kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư xây dựng dự án, công trình trên địa bàn; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có vi phạm.
Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu thực hiện việc đăng tải đầy đủ các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định; lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chuyển kinh phí bảo trì theo quy định; thực hiện phê duyệt lại dự toán, giảm trừ thanh, quyết toán theo kết luận.
Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền hơn 186 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền về thu và xử lý kinh phí bảo trì nhà chung cư là hơn 120 tỷ đồng. Đồng thời cơ quan thanh tra ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức với số tiền gần 3,2 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận