Thanh toán không tiền mặt: Vì sao dân chưa mặn mà?
Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiện ích, nhanh chóng, tiện lợi khi thanh toán, giao dịch; thế nhưng trên thực tế, người dân vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, thuế, điện, nước…
“Ôm” cả bọc tiền đi viện
UBND TPHCM mới đây đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trong đó yêu cầu đến tháng 12/2019, 100% trường học, bệnh viện (BV), các công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với các ngân hàng (NH), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên di động, máy POS.
Tuy nhiên trên thực tế, đa số người dân đi viện đều thích dùng tiền mặt khi thanh toán. Cẩn thận cất bọc tiền qua ba lớp túi do sợ kẻ gian, chị Hà Thị Phương (45 tuổi, quê Khánh Hòa) nói: “Gia đình khó khăn, vay mượn mãi mới được vài chục triệu đưa con đi khám bệnh. Có đồng tiền sẵn trên tay, BV cần gì mình nộp ngay chứ hơi đâu mà quẹt, quét…”.
Tại hội thảo “Xã hội không dùng tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” tổ chức ngày 11/6, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, cái khó hiện nay là người dân đến khám chữa bệnh vẫn sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Nhiều người còn chưa biết sử dụng máy ATM để đổi mã PIN hoặc đi rút tiền. “Trên thực tế, để thực hiện được việc thanh toán dùng thẻ thì người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh. Do đó, có một số BV thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán” - ông Sơn cho hay.
Thừa nhận thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn ở mức khiêm tốn, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee cho biết, tại 7 nước mà Shopee đang hoạt động thì Việt Nam có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất: “Tất cả đã tự động, điện tử rồi nhưng khâu quan trọng nhất lại là thu tiền mặt. Người tiêu dùng của chúng tôi tuyệt đại đa số là người trẻ dưới 35 tuổi. Các nước không dùng tiền mặt, còn Việt Nam thì lại dùng tiền mặt”.
Theo vị CEO này, lý do không chỉ đơn giản là thói quen mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi với người tiêu dùng. Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Trong khi chỉ cần phải thao tác qua 3 bước là khách hàng đã bỏ, không sử dụng nữa rồi. Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank dẫn chứng lượng ủy thác thanh toán dịch vụ công, điện nước chiếm 75%, trong đó 80% ủy thác qua online. Điều này cho thấy xu hướng của người dân chọn thanh toán sao cho nhanh nhất, tiện ích nhất. “Điểm nghẽn trong thanh toán không tiền mặt dịch vụ công là nhu cầu tâm lý của người dân. Khách hàng luôn muốn thanh toán phải nhanh, kịp thời” - ông Tâm nói.
Báo cáo của World Cash Report 2018 của G4S cho thấy trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. Mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. “Các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử bởi những lợi ích cơ bản. Cụ thể như tiết kiệm thời gian chi phí và độ an toàn cao. Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không tiền mặt" - ông Kim Anh lưu ý.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh đến tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money). Tiền di động nhằm cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng và cung cấp qua thiết bị di động với tính năng cung cấp các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, lưu trữ tiền… Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, tiền di động đã có mặt ở 90 quốc gia với 866 triệu tài khoản đã đăng ký.
Mobile Money và các dịch vụ công phát triển sẽ góp phần thanh toán viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội, chi trả điện nước, dịch vụ môi trường. “Bộ Thông tin Truyền thông tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm Mobile Money. Trước mắt các nhà mạng di động lớn sẽ thực hiện thí điểm. Đảm bảo yêu cầu định danh khách hàng, đặc biệt phải đảm bảo yêu cầu bảo mật” - ông Trung chia sẻ.
Tham dự hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. “Rõ ràng không tiền mặt lợi nhiều đường, không tiền mặt mà có nhiều thứ. Doanh nghiệp, công sở, đơn vị công giảm vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động ngân hàng tăng lên” - Phó Thủ tướng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận