Thanh toán bằng đồng rúp, Châu Âu sẽ mua khí đốt của Nga như thế nào?
Tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin rằng, Nga có thể bỏ đồng USD và EUR, chuyển sang đồng RUB để thanh toán tiền khí đốt xuất khẩu đối với các quốc gia mà phía Nga cho là “không thân thiện” đang tạo ra hiệu ứng “quả bom nổ chậm”.
Thanh toán bằng đồng rúp
Tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin rằng, Nga có thể bỏ đồng USD và EUR, chuyển sang đồng RUB để thanh toán tiền khí đốt xuất khẩu đối với các quốc gia mà phía Nga cho là “không thân thiện” đang tạo ra hiệu ứng “quả bom nổ chậm”.
Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peshkov, cơ chế thanh toán theo kế hoạch mới vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Tổng thống V.Putin đã chỉ đạo chính phủ xây dựng ngay cơ chế thanh toán mới trong vòng một tuần và tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp. Các nhà nhập khẩu khí đốt sẽ được cung cấp thông tin về điều kiện thanh toán bằng đồng rúp. Về phía Nga, Tập đoàn dầu khí Gazprom sẽ phải thay đổi một số điều lệ trong các hợp đồng xuất khẩu khí đốt của mình. Đồng thời, chính quyền Nga chưa xem xét việc áp dụng thanh toán đồng rúp đối với xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Gazprom và Novatek.
Phản ứng trước động thái chuyển đổi thanh toán từ phía Nga, giá khí đốt đã tăng vọt. Tại trung tâm giao dịch khí đốt giao ngay hàng đầu châu Âu (TTF), Hà Lan, giá khí đốt đã tăng đột biến 34% trong một ngày, lên mức trên 1.500 USD/1000 m3, trước khi giảm xuống còn 1.220 USD/1000 m3. Tình trạng giá khí đốt giao ngay tại thị trường châu Âu tăng đột biến đã trở thành yếu tố đặc trưng trong những tuần gần đây. Đồng thời, giới chuyên gia đã liên tục dự báo rằng, giá khí đốt có thể tăng vọt lên mức 4.000 - 5.000 USD/1000 m3 bất cứ lúc nào và thậm chí còn cao hơn nếu xuất hiện những thông tin xấu đi.
Phản ứng của người mua
Trong điều kiện hiện nay, phía Đức đã phải thừa nhận rằng, nước này vẫn chưa đủ khả năng để áp đặt ngay một lệnh cấm vận đối với các nguồn năng lượng của Nga. Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã thừa nhận điều này trước Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh rằng, Đức đã thực hiện những bước đi đầu tiên để giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, sự thừa nhận như vậy chỉ làm bộc lộ thêm việc nền kinh tế Đức tiếp tục phải phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đồng thời chính quyền Đức rất có thể phải nhượng bộ trước Nga.
Tổng giám đốc điều hành công ty năng lượng OMV của Áo (khách hàng mua khí đốt đường ống của Gazprom) Alfred Stern cho biết, hãng sẽ tiếp tục thanh toán cho khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng euro do không có cơ sở hợp đồng nào khác. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Chính phủ Áo và Đức nhận ra sự bất khả thi của việc loại bỏ ngay lập tức nguồn cung khí đốt và dầu thô từ Nga vì mục tiêu an ninh năng lượng.
Lãnh đạo cơ quan quản lý dầu khí nhà nước Ba Lan (PGNiG) Pavel Mayevsky cho biết, PGNiG không thấy khả năng thanh toán bằng đồng rúp đối với nguồn cung khí đốt Nga và PGNiG dự kiến tiếp tục thực hiện lâu dài hợp đồng có thời hạn với Gazprom theo các điều khoản trước đó.
Ở phía đông bán cầu, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, cơ quan này chưa hiểu các mục tiêu và phương thức thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Hiện tại, Bộ này đang thảo luận với các bên liên quan trong nước để đánh giá tình hình.
Về phía Nga, Chính phủ Nga nhấn mạnh rằng, những thay đổi sẽ chỉ ảnh hướng đến các quốc gia “không thân thiện”. Những quốc gia nào thực hiện các bước đi thù địch đối với Nga sẽ phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp mà không có ngoại lệ và nhượng bộ. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peshkov cũng nhấn mạnh, Nga sẽ tính đến những lo ngại của Serbia khi Tổng thống nước này A.Vucic cho rằng, việc thanh toán bằng đồng rúp sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, theo ông Peshkov, Bulgaria sẽ phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp do nước này đã có những bước đi không thân thiện và thù địch đối với Nga.
Chờ đợi chi tiết
Trong khi chờ cơ chế thanh toán mới hoàn thiện, các chuyên gia thị trường đã và đang thảo luận về những hệ quả của việc thực thi chính sách thanh toán bằng đồng rúp. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng, châu Âu thực tế không có triển vọng từ bỏ nguồn cung dầu khí của Nga trong những năm tới.
Các chuyên gia tại Trung tâm cơ sở hạ tầng năng lượng EnergyNet NTI (Nga) cho rằng, việc chuyển đổi các khoản thanh toán sang đồng rúp đối với nguồn cung khí đốt Nga hỗ trợ lâu dài cho chính sách tiêu diệt “sự bá quyền của USD”. Một điểm quan trọng của việc thanh toán bằng RUB cũng sẽ là khả năng quản lý quá trình mua khí đốt bằng cách sử dụng quy đổi EUR lấy RUB. Ví dụ, điều này sẽ giúp quản lý dễ dàng hơn các khoản thanh toán bổ sung/tiền phạt.
Một số chuyên gia Nga cho biết thêm, đối với nền kinh tế Nga, đây là một điểm cộng rất lớn. Hiện nay, điều quan trọng là phải đẩy nhanh việc thay thế nhập khẩu với trọng tâm là bù đắp cho sự sụt giảm nghiêm trọng về tiêu thụ khí đốt trong 5-10 năm tới.
Các chuyên gia tài chính Nga đánh giá, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng rúp sẽ không có tác động đáng kể đến khối lượng ngoại tệ chuyển đổi thành rúp vì các nhà xuất khẩu đã được yêu cầu chuyển đổi 80% nguồn thu của mình sang đồng nội tệ. Tuy nhiên, chính sách mới có thể đưa các đối tác thương mại và Ngân hàng trung ương Nga xích lại gần nhau hơn và giúp gỡ bỏ các rào cản trừng phạt đã bị dựng lên.
Tỷ giá hối đoái đồng rúp đã phản ứng tích cực với những tuyên bố của Tổng thống V.Putin. Tỷ giá USD/rúp giảm xuống dưới 100 rúp đổi một USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường không nên lạc quan quá mức. Hiện tại, diễn biến tiếp theo của tỷ giá hối đoái sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nước phương Tây. Tóm lại, mọi đồng tiền đều phải được hỗ trợ bởi một thứ gì đó, vậy tại sao không phải là nguyên liệu thô hoặc sản phẩm của quốc gia phát hành? Thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp được đánh giá là bước đầu tiên theo hướng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận