menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Thành phố Thủ Đức sẽ là một Phố Đông 'thông minh'?

Kỳ vọng đây sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng trưởng cho TP. HCM

Theo các chuyên gia, sáng kiến thành lập khu đô thị mới phía Đông của TP.HCM cho thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cũng cam kết tiếp tục phát triển các trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo mà TP.HCM quyết tâm thực hiện nhiều năm qua.

TP.HCM đang lên kế hoạch hợp nhất khu vực quận 2, quận 9 và quận thủ Đức ở phía Đông, dự kiến với tên gọi là thành phố Thủ Đức, để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có.

Nếu thực hiện, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương.

Theo luật sư Seck Yee Chung, trưởng nhóm M&A của công ty Baker McKenzie, xây dựng đô thị mới thông minh cũng cần phải bắt đầu từ một Chính phủ điện tử.

Chính quyền đô thị phải có khung pháp lý, các quy trình, thủ tục hành chính như cấp phép và phân quyền thực hiện hiệu quả minh bạch và thuận tiện hơn. Những nỗ lực đổi mới và phát triển thành phố thông minh sẽ bị cản trở nếu có quá nhiều thủ tục pháp lý và hành chính nặng nề, kéo dài và không rõ ràng.

Môi trường sống cũng cần được nghĩ đến đặt trong bối cảnh cảnh quan đô thị. Có thể khẳng định, phát triển khu đô thị phía Đông phải xem các yếu tố từ năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường, giải quyết được câu chuyện ô nhiễm, hình thành những khu vực xanh, các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Điều này sẽ tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tác động lẫn nhau để cùng xây dựng một thành phố mới, giải quyết bài toán về chính sách, chất lượng sống, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông TP hiện nay.

"Với những ý nghĩa đòi hỏi đó, chúng tôi tin rằng ý tưởng xây dựng đô thị mới phía Đông như một trung tâm đổi mới sáng tạo mới, nơi ứng dụng các thành tựu, khoa học kỹ thuật sẽ là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM", luật sư đến từ công ty luật Baker McKenzie nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Seck Yee Chung, điểm hấp dẫn mà một khu đô thị mới TP.HCM đang cần ưu tiên hướng đến để tạo được sự đột phá là phải phục vụ nhiều khía cạnh và nhu cầu khác nhau của người dân. Những yếu tố không thể thiếu bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe, các trung tâm, không gian dành cho hoạt động thể thao, không gian xanh và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, văn hoá, nhà hát...

Đô thị mới chắc chắn cũng không thể thiếu những toà nhà, cao ốc thông minh, ứng dụng công nghệ xây dựng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Các yếu tố trên không chỉ hấp dẫn người dân mà đặc biệt nguồn nhân sự tài năng trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp và tài chính.

Các ngành như vậy có xu hướng phát triển mạnh trong một hệ sinh thái sáng tạo vừa tạo điều kiện vừa truyền cảm hứng cho sự đổi mới - cũng như tạo ra một lối sống năng động và lành mạnh.

Để có nguồn vốn cho hạ tầng thiết lập thành phố mới, luật sư Nguyễn Thanh Hải, chuyên tư vấn về hạ tầng năng lượng khai thác, cho rằng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP) vừa được thông qua tiếp tục cho phép một số dự án cơ sở hạ tầng nhất định về điện, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (ở quy mô vốn đầu tư nhất định) có thể được đầu tư dưới dạng PPP dựa trên thỏa thuận nhượng quyền với các cơ quan nhà nước có liên quan.

Hiện nay, Việt Nam có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng PPP theo quy tắc PPP /BOT trước đây, nhưng hầu hết các dự án đã đầu tư là các dự án truyền thống như trong lĩnh vực giao thông có tổng số 220 dự án, chiếm 65,47%.

Tuy nhiên, đối với các dự án khu vực phát triển đô thị thông minh và công nghệ cao mới, nếu dự án được đầu tư theo hình thức PPP, khả năng đầu tư và khả năng ngân hàng của dự án sẽ đòi hỏi phải cải thiện và làm rõ hơn các quy tắc của PPP và dự án cần phải được cấu trúc đúng.

Mặc dù đã thông qua Luật PPP nhưng để luật đi vào cuộc sống thì một trong những nhiệm vụ trước mắt là cải thiện hơn nữa hai dự thảo nghị định, trong đó, một nghị định để thực hiện một số điều của Luật PPP cung cấp thêm chi tiết về quy trình và thủ tục thực hiện dự án PPP và dự thảo nghị định còn lại làm cơ sở quản lý các khía cạnh tài chính của các dự án PPP.

"Vì hiện nay các vấn đề về hợp đồng và tài chính cũng như phân bổ rủi ro còn khá nhiều bấp cập, cần phải cải tiến trước khi Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Những lưu ý cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp và các thay đổi tác động đối của luật với dự án mới được triển khai theo mô hình PPP sắp tới", luật sư Hải kỳ vọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả