Thành phố đầu tiên ở Việt Nam phát triển giao thông điện
Chiều qua (18.1), Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị tư vấn họp khởi động nghiên cứu kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại TP.HCM.
Dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA” (NDC - Nationally Determined Contributions - tạm dịch là “Đóng góp quốc gia tự quyết định”) do Chính phủ Đức tài trợ VN nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Báo cáo sơ bộ về dự án, GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Trưởng nhóm tư vấn, cho biết: Hầu hết các TP lớn của VN đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, các hoạt động GTVT là một trong những nguyên nhân chính. Mặt khác, VN đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính khi tham gia thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Mới đây, Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên và điện để thay thế nhiên liệu truyền thống được xác định là 1 trong 5 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã bắt đầu sản xuất ô tô điện và nhận được sự đón nhận rất tốt từ cả thị trường quốc tế và thị trường nội địa. Đây là những động lực để thay đổi cái nhìn của người sử dụng, điều chỉnh nhu cầu về một loại hình phương tiện giao thông mới. Từ đó, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông điện tại VN.
TP.HCM có nhiều tiềm năng
Theo ông Tuấn, sau khi khảo sát thực trạng tại 8 TP lớn, dựa vào những cơ hội và thách thức, đơn vị tư vấn đã chọn TP.HCM là địa phương khởi nguồn để triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện, từ đó mở rộng ra các địa phương khác. Lý do chọn TP.HCM bởi TP này có nhiều tiềm năng để thực hiện dự án chuyển đổi phương tiện. Cụ thể, tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện ở mức thấp, chỉ đạt 12,2%, tốc độ phát triển hạ tầng khá chậm và có giới hạn. Trong khi đó, số lượng phương tiện có xu hướng ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi bắt buộc phải có sự thay đổi. Song, không thể “xóa đi làm lại” mà phải chuyển sang phương tiện xanh sạch. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội rất lớn của TP.HCM.
Không chỉ chuyển đổi phương tiện từ xe máy, xe ô tô chạy bằng xăng sang xe điện, đại diện đơn vị tư vấn GIZ gợi ý TP.HCM có thể bắt đầu từ việc chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ đường bộ (xe tải) sang các phương thức có phát thải cacbon thấp hơn như đường thủy và đường sắt. Xe tải, tàu thuyền và thiết bị xếp dỡ chuyển sang sử dụng nhiên liệu phát thải thấp hoặc không phát thải (điện khí hóa).
“TP.HCM có mật độ mạng lưới đường thủy nội địa cao, thuận lợi để phát triển các cảng nội địa và các tuyến xe buýt đường thủy. Điện khí hóa các trang thiết bị xếp dỡ, phương tiện, tàu, xà lan và phà là giải pháp tiềm năng hướng đến giảm thải và mục tiêu trung hòa cacbon ở các cảng lớn như cảng Cát Lái và Hiệp Phước. Điện khí hóa cảng và phương tiện đường thủy không chỉ góp phần vào mục tiêu giảm thải mà còn giúp chính quyền TP xác định các chính sách và lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu không phát thải trong tương lai gần”, đại diện GIZ nhận định.
Không thể chậm trễ
Tiềm năng lớn, song, GS-TS Lê Anh Tuấn lưu ý còn rất nhiều bài toán mà TP.HCM cần tìm lời giải nếu muốn thực hiện kế hoạch phát triển giao thông điện. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là hạ tầng lưới điện. Không có hệ thống điện tốt thì không thể làm được. Chưa nói đến các trang thiết bị phụ trợ cho hoạt động giao thông, chỉ tính riêng việc chuyển đổi từ ô tô xăng sang ô tô điện, nếu sử dụng mạng lưới điện hiện hữu chắc chắn sẽ sập lưới điện.
“TP.HCM là đơn vị xây dựng đầu tiên, hệ thống quy hoạch điện phải tập trung cho TP. Trong phân bổ điện quốc gia, nếu xác định TP có chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông điện thì phải có chính sách ưu tiên. Tóm lại, chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông điện phụ thuộc rất lớn vào chiến lược vùng, chiến lược quốc gia về quy hoạch hạ tầng. Thời điểm này, TP phải nhanh chóng xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp, xác định cơ chế tài chính, lộ trình… Phải làm sớm, càng chậm trễ càng mất cơ hội chuẩn bị về hạ tầng”, TS Lê Anh Tuấn lưu ý.
Chia sẻ với Thanh Niên bên lề hội thảo, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An khẳng định mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TP.HCM. Dự kiến cuối quý 1 này, TP sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện đầu tiên. Việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong hoạt động GTVT và từng bước chuyển đổi nhu cầu di chuyển của người dân TP.
Tuy nhiên, chuyển đổi giao thông điện không chỉ đơn thuần là thay xe xăng bằng xe điện mà cần cả hệ thống hạ tầng đồng bộ như nguồn phát sạch, trạm sạc, bến bãi... Nếu chỉ sử dụng phương tiện điện nhưng nguồn phát lại từ than hoặc những loại nhiên liệu hóa thạch khác thì cũng không đạt được mục tiêu của dự án. “Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu để xây dựng cơ chế và phương án tổng thể cho dự án phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại TP”, ông An nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận