menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Thanh long, ớt… bị tăng tần suất kiểm tra, cửa vào thị trường EU ngày càng hẹp?

Mới đây, EU quyết định tăng tần suất, siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng ớt, thanh long xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin không vui cho 2 mặt hàng trên cũng như nông sản Việt Nam tại thị trường giàu có này.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (Thanh long vẫn nằm trong phụ lục II của Quy định và tăng tần suất kiểm tra từ 20% lên 30%).

Nhiều mặt hàng bị tăng tần suất kiểm tra

Mặt hàng ớt đang bị EU áp dụng tại Phụ lục I (tần suất kiểm tra là 50%) chuyển sang Phụ lục II của Quy định 2019/1973 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Thanh long, ớt… bị tăng tần suất kiểm tra, cửa vào thị trường EU ngày càng hẹp?

EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 20% lên 30%.

Mặt hàng đậu bắp EU vẫn áp dụng tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt hàng sầu riêng giữ nguyên so với lần rà soát trước đây với tần suất kiểm tra là 10% Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.

Để tiếp tục xuất khẩu ổn định vào EU cũng như bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, Thương vụ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của EU.

Đối với mặt hàng thanh long, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết sản phẩm của địa phương này vẫn chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam nhưng cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng. Thanh Long được tập trung ở các tỉnh giáp Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam… và có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9.

Ông Tài thông tin đây cũng là thời vụ thu hoạch của các loại trái cây Trung Quốc như: cam, quýt, táo, lê, nho… nên thời gian này thanh long bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm, trong tương lai việc tiêu thụ dự báo còn khó khăn hơn.

Trong khi đó, “việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường EU vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm do các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch”, vị đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho hay.

Nguy cơ ngừng nhập khẩu

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, đánh giá việc tăng tần suất kiểm tra sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long của Việt Nam tại EU. Nếu doanh nghiệp tái phạm các vấn đề về dư lượng, họ có thể chịu tần suất kiểm tra cao hơn, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang EU.

“Khi vấn đề xảy ra, rất khó để xác định lỗi từ phía nào, bởi ai cũng có thể có lỗi trong chuỗi giá trị”, ông Nguyên nói.

Đối với thị trường EU, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp, đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật cần tăng cường hơn nữa việc tuân thủ quy định của EU, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mà nhiều mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của EU ở mức rất thấp.

Theo ông Nam, các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải tuân thủ các quy định của thị trường này đưa ra như: Quy định về đăng ký danh sách doanh nghiệp, quy định về MRL đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về mức dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Hay, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, quy định về vùng an toàn dịch bệnh, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng (EUDR) hoặc các quy định liên quan khác…

Hiện, “EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát", ông Nam cho biết.

Trong khi đó, ông Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, tất cả các lô hàng xuất khẩu vào EU phải đáp ứng yêu cầu là sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU. Sản phẩm không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác.

Theo đó, sản phẩm phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (PC); trừ các loại trái cây dứa, chuối, dừa và chà là không cần có PC. Bên cạnh đó, vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15). Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu sang EU không được vượt quá mức tối đa cho phép theo luật của EU.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả