Thành lập Công viên địa chất Phú Yên - Phu Yen Geopark
Ngày 30/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã có quyết định thành lập Công viên địa chất Phú Yên - Phu Yen Geopark, với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000km2.
Theo quyết định, Công viên địa chất Phú Yên được thành lập có tên tiếng Anh là Phu Yen Geopark và sẽ là thành viên mới trong Mạng lưới Công viên Địa chất Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là xác định rõ tiềm năng di sản địa chất và các loại hình di sản khác ở khu vực công viên địa chất.
Thành lập công viên địa chất Phú Yên, Ban Quản lý Công viên địa chất Phú Yên; ra mắt và tham gia Mạng lưới công viên địa chất Quốc gia tại Việt Nam; triển khai công tác khảo sát, điều tra, đánh giá bổ sung và tổng hợp các tài liệu đã có chuẩn bị cho công tác lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu đối với Công viên địa chất Phú Yên.
Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu theo hướng dẫn của UNESCO; lập quy hoạch bảo tồn và phát triển, quy hoạch xây dựng, kế hoạch quản lý và triển khai các nội dung cần thiết khác (hệ thống thuyết minh, biển bảng, cơ sở dữ liệu, lớp tập huấn, khoanh vùng bảo vệ di sản...) làm cơ sở để UNESCO xem xét, thẩm định, công nhận công viên địa chất toàn cầu.
Hình thành các sản phẩm du lịch địa chất gắn với phát triển các ngành kinh tế phụ trợ, phục vụ du lịch ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu du khách nội địa và quốc tế.
Khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên gồm: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần diện tích thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50m, bao gồm các đảo ven bờ).
Đường ranh giới của Công viên địa chất được xác định trên nguyên tắc lấy trọn vẹn đến địa giới đơn vị hành chính cấp xã thuộc 07 huyện, thị xã, thành phố nói trên không có nghĩa là lấy toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính của 07 địa phương này. Bên trong đường ranh giới, Công viên địa chất sẽ được tổ chức thành các tuyến du lịch đặc trưng; kết nối các điểm di sản, cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, các điểm phục vụ khách du lịch, các nhà cung cấp đối tác của Công viên địa chất, nhằm khai thác tổng hợp giá trị của Công viên địa chất và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch trên toàn tỉnh.
Đắk Nông cập nhật thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho học sinh
Hà Giang: Cao nguyên đá Đồng Văn nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, khai mạc Lễ hội hoa Tam giác mạch
Quy mô diện tích, phạm vi, ranh giới cụ thể của Công viên địa chất Phú Yên sẽ được xác định trên cơ sở kết quả nhiệm vụ điều tra, khảo sát tiềm năng di sản địa chất và các giá trị di sản khác ở một số khu vực tỉnh Phú Yên.
Theo ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học.
Trên cơ sở thành lập Công viên địa chất Phú Yên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành lập Ban Quản lý công viên để quản lý và điều phối các hoạt động liên quan.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan tăng cường phối hợp với thanh tra chuyên ngành trong việc quản lý môi trường, du lịch; tạo mọi điều kiện trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về di sản địa chất trong Công viên địa chất...
Trước đó, một trong những nội dung tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Quy hoạch xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển Phú Yên gồm: Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,...
Quyết định của Thủ tướng nêu: Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận