menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vạn Lịch

Thanh, kiểm tra giúp doanh nghiệp tuân thủ chứ không đặt mục tiêu ‘triệt tiêu’

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hoạt động thanh tra doanh nghiệp vẫn tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cần xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra, đặc biệt ngăn chặn nguy cơ bị lạm dụng rất cao.

14% doanh nghiệp tiết lộ bị nhũng nhiễu, phiền hà

Thanh, kiểm tra giúp doanh nghiệp tuân thủ chứ không đặt mục tiêu ‘triệt tiêu’
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Những năm gần đây, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng gánh nặng doanh nghiệp phải gánh vẫn rất lớn. Theo khảo sát của Dự án báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, công bố đầu năm 2021, vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra, trong số này khoảng 20% phải trả chi phí không chính thức, 14% doanh nghiệp tiết lộ là bị nhũng nhiễu, phiền hà; khoảng 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp, có khi đón tới 3 lần/năm”.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, tỷ lệ trên là ở mức trung vị, nghĩa là có doanh nghiệp phải gánh nhiều hơn. Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, dường như gánh nặng gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét có 2 nội dung được ĐBQH Phan Đức Hiếu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được phản hồi. “Điều thứ nhất, Dự án Luật cần phải có quy định riêng về hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp hoặc ít nhất bổ sung thêm quy định về hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp; cần có quy định thống nhất để tránh nguy cơ gây ra chồng chéo trùng lặp trong hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp”.

Theo Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện tổ chức bộ máy thanh tra theo đơn vị hành chính, cấp địa phương và cấp chuyên ngành; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoàn toàn bị rủi ro phải đón tiếp rất nhiều đoàn thanh tra theo lĩnh vực hành chính hoặc theo chuyên ngành. “Doanh nghiệp là đối tượng có nguy cơ liên quan, trùng lặp và chồng chéo khi bị thanh tra”, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho biết.

Vấn đề thứ 2 được ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Bản chất của hoạt động thanh tra giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không đặt mục tiêu thanh tra để triệt tiêu doanh nghiệp. Việc công khai minh bạch, báo trước kế hoạch thanh tra định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Thanh, kiểm tra giúp doanh nghiệp tuân thủ chứ không đặt mục tiêu ‘triệt tiêu’
ĐBQH tỉnh Cà Mau, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) còn thiếu quy định phân cấp, phân quyền trong công tác thanh tra, dẫn đến tình trạng tồn đọng các vụ việc thanh tra, chậm trễ trong ban hành các kết luận. "Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, công việc đang nhiều, nếu như cái gì cũng chờ đến Ban Chỉ đạo thì sẽ tồn đọng các vụ việc cần thanh tra, giải quyết, xử lý. Cho nên cần phải tăng cường quyền hạn của cơ quan thanh tra theo hướng được phép xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân dưới một cấp. Điều này tương tự cơ chế vận hành của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Thanh tra Chính phủ là cơ quan tự kiểm soát quyền lực trong nhánh hành pháp, tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý ngay những vi phạm trong nội bộ của nhánh hành pháp. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng, trước pháp luật.

Đề cập về thanh tra đối với doanh nghiệp, đại biểu Phan Đức Hiếu – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhìn nhận: Bên cạnh mặt tích cực thì việc thanh, kiểm tra vẫn đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Cùng với đó là hiện tượng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của trong công tác thanh tra. Chính vì vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng thanh tra là doanh nghiệp.

Tránh nguy cơ lạm dụng thanh tra

Theo ông Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung và một nội dung là quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành. “Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)”, đại biểu Mai Văn Hải cho biết.

Bên cạnh những mặt tích cực, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được cho vẫn còn một số tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ tạo “gánh nặng” về thanh, kiểm tra đổi với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 25/10, Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch, thời hạn, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra…Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, dự thảo Luật có đề cập đến hoạt động kiểm tra với 2 nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra; đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra. Quy định như vậy vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Chúng tôi hiểu rằng, hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành”, lãnh đạo VCCI đề xuất.

Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra.

Theo đó, khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trao quyền kiểm tra cho các cơ quan Nhà nước, cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định đó, ví dụ: Phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra; kế hoạch kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất; quy định rõ về ban hành, gửi nhận quyết định kiểm tra; quy định rõ về người thực hiện kiểm tra; quy định rõ về thời hạn thực hiện kiểm tra tối đa, việc gia hạn, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra…

“Khi kiểm tra thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau, trừ khi pháp luật chuyên ngành có quy định khác như: Phải có quyết định kiểm tra do người có thẩm quyền ký; phải cung cấp một bản sao quyết định kiểm tra cho người bị kiểm tra. Quyết định kiểm tra phải nêu rõ: Căn cứ ra quyết định kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; đổi tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra…”. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại