Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Tín dụng tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2020 đến nay khiến một số ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng "mỏng" thanh khoản. Nhưng không vi thế mà lãi suất huy động tăng, có chăng chỉ là cục bộ ở một số ngân hàng.
Chỉ số LDR là tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động. Cùng với chỉ số tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR là một trong hai chỉ số cơ bản nhất thể hiện khả năng thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản kỳ hạn của ngân hàng.
Mặc dù nhiều đơn vị đang có chỉ số LDR tăng cao, song lãnh đạo các nhà băng khẳng định, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, dù dẫn đầu quy mô tín dụng, song thanh khoản tại ngân hàng này đang rất dồi dào. Do dư thừa nguồn vốn, để tăng hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo Vietcombank đề ra kế hoạch không tăng trưởng nguồn vốn huy động và duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác khoảng 0,2%.
Thực tế, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào, biểu hiện là lãi suất huy động trên thị trường được một số ngân hàng điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, biến động lãi suất tăng ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ, chưa biểu thị cho một xu hướng tăng lãi suất của toàn thị trường, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. "Do đó, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng không còn dư dả như trước, chứ chưa đến mức căng thẳng", một chuyên gia nhận định.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, lãi suất tăng nhẹ là do thanh khoản của hệ thống không còn quá dư thừa như năm 2020, tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp thời gian qua cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản, khiến các ngân hàng phải có động thái tăng lãi suất trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Lực, tăng lãi suất không phải là xu hướng, mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong vài quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, kịch bản lãi suất tăng nếu xảy ra, cũng phải cuối năm nay, trong trường hợp tín dụng tăng trở lại. Tuy nhiên, khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, mức độ lạm phát, khả năng mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường