24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hương Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thanh Hóa: Dự án hàng chục tỷ vô tư tiêu thụ “đất lậu”?

Mặc dù được cho phép sử dụng đất đắp mua từ các mỏ được cấp phép để thi công công trình xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở đê hữu sông Chu nhưng nhà thầu lại vô tư tiêu thụ “đất lậu".

Nhiều dấu hiệu lạ?

Ngày 5/2/2020 ông Nguyễn Đức Quyền, phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định 1265/UBND-NN về việc cho phép thực hiện các dự án xử lý sạt lở đê điều theo dự án đầu tư công khẩn cấp để kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Theo đó, cho phép thực hiện dự án công trình xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở, bảo vệ đê hữu sông Chu đoạn K10+350 - K10+750 qua xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân. Dự án đầu tư công khẩn cấp để kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra năm 2019. Được biết, giá trị dự toán xây dựng công trình là 12 đồng, vốn xây lắp là 10,6 tỷ đồng.

Dự án xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở đoạn qua xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân tiêu thụ "đất lậu" khiến người dân bức xúc, nghi ngờ chất lượng công trình

Dự án này khởi công vào trung tuần tháng 4/2020 và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2020, công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây dựng Nông nghiệp Thanh Hóa (trụ sở tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thi công.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án sử dụng đất đắp đê lấy tại mỏ 30 xã Xuân Châu (huyện Thọ Xuân). Tuy nhiên, sau đó vị trí mỏ được quy hoạch lại nằm trong điểm di tích lịch sử Hành cung đền thờ nhà Lê.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, ngày 23/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định 3455/UBND-NN chấp thuận chủ trương cho SởNN&PTNT sử dụng đất đắp mua từ các mỏ được cấp phép để thi công công trình xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở bảo vệ đê hữu sông Chu. Với điều kiện việc mua đất đắp đảm bảo tổng mức đầu tư không vượt mức vốn hỗ trợ cho dự án là 12 tỷ đồng.

Giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát các mỏ đất san lấp đã được cấp phép đang còn thời hạn khai thác trên địa bàn để lựa chọn mỏ đất có chất lượng và khoảng cách vận chuyển phù hợp.

Thanh Hóa: Dự án hàng chục tỷ vô tư tiêu thụ “đất lậu”?

Nhiều xe tải đến "ăn đất" tại một dự án chống sạt lở đã hết hạn trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân để phục vụ công trình xử lý khẩn cấp điểm chống sạt lở nêu trên

Tuy nhiên ghi nhận của phóng viên, trong quá trình thi công dự án này đã bộc lộ nhiều bất cập, khuất tất khi nhà thầu cố tình gian dối bỏ qua các địa điểm được cơ quan chức năng khảo sát trước đó. Sử dụng đất đắp nền từ nhiều địa điểm khai thác “đất tặc”, hoặc lấy đất tận thu tại dự án chống sạt lở đã hết hạn tận thu để phục vụ công trình mà không quan tâm đến chất lượng.

Thi công có vấn đề

Ngày 29/4, theo chân các xe tải đi từ vị trí dự án xử lý đê khẩn cấp qua xã Thọ Hải đi “ăn đất”, phóng viên liên tục ghi nhận các xe này lấy đất tại một dự án chống sạt lở trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (đã hết hạn được tận thu đất) để phục vụ công trình trên.

Phóng viên đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa và đã nhận được “lời hứa” kiểm tra và chấn chỉnh nhà thầu nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định.

Thanh Hóa: Dự án hàng chục tỷ vô tư tiêu thụ “đất lậu”?

Xe vào "ăn đất" tại một hộ dân hạ đất đồi tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc về phục vụ dự án nêu trên do Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư

Tuy nhiên, những ngày sau đó, phóng viên lại liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc tái diễn tình trạng tiêu thụ “đất lậu” của dự án này.

Ngày 25/5, phóng viên tiếp tục ghi nhận hàng loạt xe tải lớn nối đuôi nhau vào lấy đất tại quả đồi hộ gia đình ông Toàn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc để đem về đắp tại dự án nêu trên.

Chủ máy múc (xin dấu tên), tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc cho biết: “Tôi đang hạ độ cao quả đồi cho nhà em trai để nó làm nhà. Đất chẳng biết đổ đi đâu nên cho cánh lái xe tải chở đi đổ vào dự án làm đê ở Thọ Xuân chứ chẳng buôn bán gì”.

Liên quan tới vấn đề đất lậu, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Khương Anh Tấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa. Ông Tấn cho biết, theo quy định thì đơn vị thi công được mua tất cả các mỏ mà được tỉnh cấp phép. Tuy nhiên, nếu có tình trạng lấy đất lậu thì chắc là do các xe di chuyển trên đường tự ý lấy mà đơn vị thi công không quản lý hết được.

"Riêng đối với chủ đầu tư, chúng tôi chỉ quản lý tại công trình. Nghĩa là chúng tôi kiểm tra cứ đạt yêu cầu là được. Nhưng chắc là không có chuyện lấy đất lậu đâu”, ông Tấn cho biết thêm.

Thanh Hóa: Dự án hàng chục tỷ vô tư tiêu thụ “đất lậu”?

Mặc dù lấy đất từ nhiều điểm "đất tặc" nhưng vẫn được chủ đầu tư kiểm tra đạt yêu cầu kỹ thuật?

Khi được hỏi, nếu đơn vị thi công lấy đất tận thu đất đá thừa tự dự án chông sạt lở đã hết hạn trên địa bàn xã Xuân Phú là đúng hay sai? Khi kiểm tra sao vẫn đạt yêu cầu? Ông Tấn cho biết: “Nếu lấy tại đấy là sai quy định rồi, chúng tôi sẽ tiếp thu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp và sẽ chấn chỉnh đơn vị thi công nghiêm túc thực hiện”.

Nhưng theo nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp, khối lượng đất đã đổ đắp vào dự án tương đối lớn. Vậy, số lượng “đất lậu” nói trên có hóa đơn hay không, chất lượng thế nào, vì sao chủ đầu tư kiểm tra kỹ thuật lại không phát hiện ra các chất đất khác nhau như vậy, vẫn có kết luận đạt tiêu chuẩn?

Câu hỏi này dành cho lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, cần nghiêm túc kiểm tra lại quá trình thi công dự án của đơn vị thi công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả