Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn 7.200 tỷ đồng vốn đầu tư công
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Qua đó đạt thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, số liệu báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh này là hơn 10.630 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương hơn 7.108 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương gần 3.522 tỷ đồng. Đến ngày 10/5, UBND tỉnh đã giao kế hoạch chi tiết hơn 10.630 tỷ đồng, bằng 100% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ thông báo. Toàn tỉnh đã giải ngân được 3.372 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch.
Theo nguồn tổng hợp từ Bộ Tài chính, lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn các dự án đầu tư công; một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân nhanh so với kế hoạch giao chi tiết. Nếu phân theo chủ đầu tư, năm 2022 tổng số chủ đầu tư đã được giao kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 83 chủ đầu tư, trong đó có 14 chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, 27 chủ đầu tư là UBND cấp huyện, 35 chủ đầu tư là UBND cấp xã và 7 chủ đầu tư là đơn vị khác. Tính đến ngày 10/5, có 51 chủ đầu tư giải ngân vốn đạt từ 30% kế hoạch trở lên; 10 chủ đầu tư mới giải ngân đạt từ trên 10% đến dưới 30% kế hoạch; 8 chủ đầu tư chỉ giải ngân dưới 10% kế hoạch; 14 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, ngoài các nguyên nhân khách quan, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan, như: Các chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, thiếu quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số huyện chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án; năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm…
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức rà soát lại từng dự án để thấy những điểm nghẽn cụ thể, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án, nhất là những tháng mùa mưa bão sắp tới sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ các công trình. Do vậy, thời gian còn lại của năm 2022 nhiệm vụ là rất nặng nề bởi toàn tỉnh phải giải ngân số vốn còn lại hơn 7.200 tỷ đồng, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan.
Mặt khác, UBND tỉnh coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bởi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ sẽ có tác dụng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, phát triển nhiều mặt kinh tế - xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận