Thặng dư 9 tỉ đô la Mỹ: Liệu có đáng mừng?
Con số thặng dư thương mại 9 tỉ đô la Mỹ 10 tháng đầu năm, xét trong ngắn hạn, giúp tạo nguồn ngoại tệ, giảm căng thẳng ngoại hối, củng cố cán cân vãng lai. Song con số này không hoàn toàn đáng mừng trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Tăng xuất vào Mỹ, tăng nhập từ Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 429 tỉ đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt gần 219 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% và nhập khẩu đạt gần 210 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,7%. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, thặng dư thương mại trong 10 tháng đạt hơn 9 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước tới nay.
Đánh giá về con số này, ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho hay, thặng dư thương mại trong ngắn hạn sẽ đóng góp một phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn ngoại tệ, giảm căng thẳng ngoại hối, giúp củng cố cán cân vãng lai. Tuy nhiên, về dài hạn, đây lại là vấn đề lớn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc.
Giải thích về hiện tượng thặng dư thương mại tăng đột biến, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ là nguyên nhân chính dẫn tới con số này. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ 10 tháng đầu năm đạt 49,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
“Các doanh nghiệp trong ngắn hạn đang tận dụng tốt thặng dư thương mại, lỗ hổng tại thị trường Mỹ”, ông Thắng nói. “Nhưng điều này cũng rất rủi ro vì không cẩn thận Việt Nam sẽ bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ”.
Thực tế, Việt Nam đã “thoát" một lần trong danh sách này. Trong báo cáo được công bố hồi tháng 5, Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Nhưng cuối cùng, Bộ Tài chính Mỹ đã không gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam trong báo cáo này.
“Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang rất chú ý tới thặng dư thương mại thì con số hơn 9 tỉ đô la Mỹ thặng dư thương mại không phải là tín hiệu tốt trong quan hệ Việt Mỹ”, vị chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nói.
Nếu xét theo từng nhóm mặt hàng có thể thấy những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ cao cũng là những mặt hàng mà Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. 10 tháng đầu năm, các nhóm sản phẩm Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Mỹ gồm dây điện và dây cáp điện (tăng 252%); chất dẻo nguyên liệu (148%); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (140%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (100%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (98%), theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Cũng trong giai đoạn này, những mặt hàng mà Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc cũng gần tương tự như mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Theo cùng báo cáo, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc tăng 53%; sản phẩm từ kim loại khác (53%); dây điện và dây cáp điện (48%); gỗ và sản phẩm gỗ (43%)....
Ông Thắng cho rằng, câu chuyện nhập linh kiện sau đó xuất đi là điều bình thường, bởi thương mại quốc tế không phải là xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng cuối cùng. “Việc Việt Nam tăng nhập khẩu từ Trung Quốc không phải xấu", ông Thắng nói. “Tính toán của chúng tôi cho thấy Việt Nam phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và Việt Nam càng muốn tăng xuất khẩu thì càng phải nhập từ Trung Quốc nếu ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước không phát triển tương ứng".
Một điểm nổi bật trong bức tranh xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm là sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ khu vực tư nhân. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế trong nước đang dần khẳng định vị thế với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%) trong cùng thời kỳ. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phân tích kỹ kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thì thấy rằng con số “ấn tượng" về giá trị xuất khẩu cao hơn hẳn công suất sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp công suất sản xuất rất kém nhưng “đột nhiên" kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn.
“Có lý do để nghi ngờ có hiện tượng dán mác của hàng Trung Quốc. Đây là điều hết sức lo lắng và cần có điều tra, chứng minh, nhắc nhở và ngăn chặn”, ông Doanh nói. “Nếu phía Mỹ điều tra và phát hiện thì sẽ dẫn tới việc trừng phạt cả ngành hàng đó. Giá phải trả sẽ rất cao và người chịu thiệt thòi nhất là người lao động”.
Đưa nhiều ngành, doanh nghiệp vào tầm ngắm
Đây là vấn đề đã được cơ quan quản lý thừa nhận. Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, việc xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của cả nước là điều bất thường. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm tốc.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 34,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,9%; Trung Quốc đạt 32,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,9%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
“Điều này dẫn tới nghi vấn lớn liên quan tới truyền tải bất hợp pháp”, ông Tuấn nói.
Thực tế, Chính phủ đã ban hành quyết định 824 phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" và xây dựng nghị quyết về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Dù đã có sự chỉ đạo từ Chính phủ, nhưng việc đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không phải dễ dàng. Ông Tuấn đã liệt kê một loạt những gian lận thương mại xảy ra từ đầu năm tới nay. Mới đây, Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện công ty A, là doanh nghiệp chế xuất, 100% vốn đầu tư nước ngoài, có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Doanh nghiệp này nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thực hiện một số công đoạn lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Các doanh nghiệp còn có những hành vi tinh vi hơn. Theo ông Tuấn, có hiện tượng doanh nghiệp thành lập nhiều công ty khác nhau, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản. Những sản phẩm này không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng lại ghi sản phẩm tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.
Ngoài ra còn có hiện tượng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài, khi đưa về xưởng sản xuất hoặc trong quá trình thanh đổi phương tiện vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hoá có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hoá hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá sau đó được xuất khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.
Trước diễn biến trên, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thời gian tới sẽ tăng cường rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tiến hành thu thập, củng cố thông tin, phân tích và điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Hơn nữa, Bộ này cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, siết chặt quản lý đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu có kim ngạch tăng đột biến, có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận