Tháng 7: Bất chấp giá xăng dầu giảm mạnh, 10 nhóm hàng vẫn "đu đỉnh"
Trong tháng 7, giá xăng dầu trong nước có ba đợt điều chỉnh giảm khá mạnh, gần 7.000 đồng/ lít. Tuy nhiên, chỉ số giá của nhiều mặt hàng vẫn neo ở mức rất cao.
CPI tháng 7 tăng bất chấp giá xăng dầu giảm mạnh
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê sáng 29/7 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%. Trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 7/2022 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ duy nhất một nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Đây là con số đáng lo ngại bởi trong tháng 7, giá xăng dầu, một mặt hàng ảnh hưởng đến giá cả nhiều loại hàng hoá đã giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, cắt đứt chuỗi tăng giá liên tiếp, đáng sợ từ tháng 4 đến tháng 6/2022.
Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân hàng loạt nhóm hàng hoá trong giỏ hàng hoá tính CPI tăng là bởi nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao, nguồn cung giảm nên giá thịt lợn tăng cao; tháng cao điểm sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển…. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7 tăng khá mạnh.
Cơ quan này cũng đưa ra số liệu cụ thể từng loại mặt hảng tăng giá, bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,37% (làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,31%(tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 1,6% (tác động tăng 0,34 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%, tác động CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm).
Giá gạo đã tăng 0,24% (gạo tẻ ngon giảm 0,14%; gạo tẻ thường tăng 0,34 %) theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác (bánh mì tăng 0,96%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,9%; bột mỳ tăng 0,67%; miến tăng 0,45%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,43%).
Giá thịt lợn tăng 4,29% làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm; giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92%; giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,69%…
Giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và tháng 7 là tháng cao điểm du lịch. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 1,37% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,66% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 1,24%.
Trong khi đó, tín hiệu vui cộng hưởng bởi giá xăng giảm là giao thông, với chi phí giảm 2,85%, làm CPI chung giảm 0,28%.
Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân nhóm dịch vụ này giảm giá là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/7/2022, 11/7/2022 và 21/7/2022 làm cho giá giá xăng giảm 8,68%; giá dầu diezen giảm 4,03%.
Về lạm phát cơ bản, bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận