"Thân Trung Quốc, xa Mỹ" và lời hứa 9 tỷ USD của Bắc Kinh: Kinh tế Philippines "được" gì sau 4 năm?
Tổng thống Philippines Duterte đang phải chịu áp lực to lớn để chứng minh đất nước này được hưởng lợi kinh tế từ mối liên minh chặt chẽ với Trung Quốc.
Năm 2016, khi vừa lên cầm quyền, Tổng thống Philippines Duterte đã thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ đầy táo bạo trong chính sách đối ngoại của Philippines khi tuyên bố “tách rời” Mỹ và siết chặt mối quan hệ với Trung Quốc. Đáng nói, trước đó, Mỹ là đồng minh quân sự thân cận của Philippines.
Tổng thống Duterte được cho là đã gạt đi nhiều tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông để đổi lấy hàng tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nước này. Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư được hứa hẹn đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Một số đã được đầu tư, nhưng lại chịu chung số phận bị trì hoãn hoặc thậm chí gác lại, chưa rõ thời hạn hoàn thành.
“Trung Quốc chỉ mới khởi động 2 trong số các dự án cơ sở hạ tầng đã cam kết, bao gồm một cây cầu và một dự án cao tốc. Nhưng cho đến nay, cả hai dự án đều gặp phải những khó khăn lớn có thể ảnh hưởng đến tốc độ hoàn tất”, nhận định của ông Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Ông Greg đang nhắc đến 2 dự án là cây cầu nối đảo Guimaras và Panay (miền Trung Philippines) trị giá 530 triệu USD cùng đường cao tốc thành phố Danao, quê hương Tổng thống Duterte trị giá 400 triệu USD. Tổng chi phí đầu tư cho hai dự án này là hơn 900 triệu USD, tức mới chỉ bằng 1/10 so với lời hứa hẹn đầu tư 9 tỷ USD mà Bắc Kinh đưa ra hồi năm 2016.
Đó là chưa kể những nỗi quan ngại về nguy cơ chậm tiến độ và trì hoãn kéo dài. Ví dụ, dự án đập thủy điện Kaliwa (đông bắc thủ đô Manila) đã được giao cho Tổng thầu Trung Quốc từ năm 2017 nhưng mãi tới cuối năm 2018 mới được Ngân hàng Trung Quốc ký thỏa thuận rót vốn. Tới tháng 10/2019, dự án mới nhận được chứng nhận tuân thủ bảo vệ môi trường nhân dịp Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa tới thăm Philippines. Mãi cho tới nay, ngày khởi công dự án vẫn đang kéo dài do mối quan ngại nguy cơ đập thủy điện làm nhấn chìm vùng đất định cư của người bản địa Dumagat tỉnh Rizal.
Trong khi đó, trong công chúng Philippines, tâm lý “bài Trung Quốc” ngày một lớn dần. Cách tiếp cận hòa giải của Tổng thống trong vấn đề Trung Quốc không được hầu hết dư luận trong nước ủng hộ. Một cuộc thăm dò ý kiến được Social Weather Stations tổ chức hồi tháng 7 cho thấy đa số người Philippines tin tưởng vào Mỹ và Úc hơn là Trung Quốc. Đáng chú ý, so với kết quả khảo sát tương tự được thực hiện hồi tháng 12 năm ngoái, tâm lý “bài Trung Quốc” đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế Philippines.
Tất cả những nguyên nhân đó đang làm “gia tăng áp lực chính trị trong nước với Tổng thống Duterte về việc điều chỉnh lại chính sách thân Trung Quốc”, nhận định của Peter Mumford, chuyên gia cấp cao các vấn đề Đông Nam Á và Nam Á tại Eurasia Group.
Philippines gần đây đã ra một số quyết sách chính trị đáng chú ý trong việc đi ngược lại chính sách thân Trung Quốc bấy lâu nay, ví dụ như bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Nhưng theo Dereck Aw, nhà phân tích cấp cao của Control Risks thì điều này “không báo hiệu sự thay đổi đột phá trong lập trường của chính quyền Duterte với Trung Quốc”, mà “chỉ nên coi là nỗ lực để xoa dịu dư luận trong nước, chẳng hạn như những bộ phận công chúng đang ngày càng nghi ngờ về chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte”.
Ông Duterte chỉ còn chưa đầy 2 năm trong nhiệm kỳ 6 năm của mình trên cương vị Tổng thống Philippines. Điều này đồng nghĩa với việc vị Tổng thống đương nhiệm sắp hết thời gian để chứng minh được những kết quả kinh tế mà ông mong muốn từ mối quan hệ liên minh với Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận