Thận trọng khi chi tiêu qua thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng chi trước trả sau theo hình thức tín chấp đang được nhiều người ưa thích sử dụng. Tuy nhiên, nếu không trả nợ đúng hạn hay “vung tay quá trán” dẫn đến tình trạng chi tiêu vượt hạn mức tín dụng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thẻ tín dụng chi trước trả sau theo hình thức tín chấp đang được nhiều người ưa thích sử dụng. Tuy nhiên, nếu không trả nợ đúng hạn hay “vung tay quá trán” dẫn đến tình trạng chi tiêu vượt hạn mức tín dụng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Chi tiêu trước trả nợ sau
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực, cho thấy dư địa của thị trường thẻ tín dụng còn rất lớn và trên thị trường này đang có cuộc đua tranh giành thị phần. Cuộc cạnh tranh phát hành thẻ tín dụng càng sôi động với nhiều tổ chức tham gia thì chính khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Điều kiện mở thẻ tín dụng hiện nay khá đơn giản với nhiều loại thẻ hướng tới các đối tượng và hạn mức khác nhau.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, thị trường thẻ tín dụng là thị trường tiềm năng, 70% dân số của Việt Nam là dân số trẻ có độ tuổi đi làm và thu nhập ổn định, tuy nhiên sản phẩm thẻ tín dụng ở thị trường Việt Nam mới phát triển trong những năm gần đây. 10 năm về trước, đối tượng sử dụng thẻ tín dụng chưa nhiều. Những năm gần đây, các ngân hàng định hướng tập trung đẩy mạnh phát hành thẻ cũng như đối tượng sử dụng, lựa chọn đây là mảng sản phẩm cốt lõi.
“Chúng tôi có thông điệp gửi khách hàng là “Để chi tiêu của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn”, thời gian đầu tập trung vào khách hàng đã có giao dịch tại Ngân hàng. Giai đoạn tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng phân khúc khách hàng ở mảng thẻ tín dụng. Thị trường thẻ tín dụng có nhiều tiềm năng, hầu hết ngân hàng lớn tập trung tại các thành phố lớn, thị trường tại các tỉnh gần như bị bỏ ngỏ. Vì vậy, đây là cơ hội cho các ngân hàng còn lại", vị lãnh đạo trên nói.
Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà chủ thẻ được ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cho phép sử dụng để thực hiện thanh toán các giao dịch cá nhân trong thời gian nhất định. Khách hàng có thể dùng tối đa 100% hạn mức khi dùng thẻ tín dụng thanh toán qua máy POS/EDC. Nhưng nếu khách hàng rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại các trụ ATM thì chỉ được nhỏ hơn 70% số tiền hạn mức mà chủ thẻ được ngân hàng cấp.
Trên thực tế, việc đưa ra hạn mức tín dụng là để khống chế, điều tiết sử dụng nguồn tiền từ ngân hàng. Riêng với khách hàng, hạn mức tín dụng nhằm kiềm chế thói quen chi tiêu “có bao nhiêu, sử dụng hết bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, được sử dụng vượt hạn mức. Những chủ thẻ được ngân hàng cho phép sử dụng vượt hạn mức tín dụng khi có lịch sử tín dụng tốt, mức thu nhập cao và có tài sản bảo đảm.
Không ít khách hàng vì nhu cầu tài chính cá nhân hoặc quá mê các chương trình ưu đãi, mua sắm nên chi tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng. Tùy theo mỗi ngân hàng quy định, mức phí này có thể là một số tiền cụ thể, hoặc được tính bằng phần trăm trên số tiền vượt hạn mức tín dụng.
Mức phí mà hầu hết các ngân hàng hiện nay thu khách hàng khi chi tiêu vượt hạn mức tín dụng là 100.000 đồng/sao kê. Một số ngân hàng đưa ra quy định sẽ ngưng hoạt động thẻ cho đến khi khách hàng thanh toán nợ cho ngân hàng và đưa về trạng thái dưới hạn mức tín dụng thì mới được sử dụng lại thẻ tín dụng như ban đầu.
Nợ quá hạn có lãi suất cao
Thực tế, các ngân hàng đang tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng. Thậm chí, các ngân hàng còn vào cuộc đua mở thẻ miễn phí và cấp hạn mức cao cho khách hàng chi tiêu tín chấp, mà các điều kiện và mở thẻ khá dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo khi chi tiêu, người tiêu dùng sẽ khó tránh khỏi nợ nần và phải trả lãi cao. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu không cẩn trọng trong chi tiêu, thẻ tín dụng sẽ là “con dao hai lưỡi”. Bản thân vợ chồng ông có thẻ tín dụng, song mua sắm, chi tiêu qua thẻ đều được tính toán kỹ lưỡng, nếu cứ “đụng đâu quẹt thẻ tín dụng đó” thì sẽ khó tránh khỏi nợ nần. Khi sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, khách hàng cần thanh toán nợ đúng hạn 45 ngày.
Khách hàng nên xem lại thói quen mua sắm của mình, cần có kế hoạch dự chi trung bình mỗi tháng từ 30 - 35%/hạn mức tín dụng cho phép từ ngân hàng. Kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng dựa vào sao kê định kỳ và thanh toán đủ cho ngân hàng trước một giao dịch vào tháng tiếp theo, nhằm tránh trường hợp phải trả lãi suất cao.
Chẳng hạn, trường hợp khách hàng của HSBC quẹt thẻ 100,4 triệu đồng, sau đó thanh toán 100 triệu đồng, số tiền còn lại quên thanh toán vì bận và chủ quan cho rằng, số nợ nhỏ có lãi suất không đáng bao. Hệ quả, ông Phan Dũng Khánh, chủ thẻ trên té ngửa khi nhận được thông báo phải trả lãi gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc 400.000 đồng chưa thanh toán.
Thẻ tín dụng hiện nay rất phổ biến, nên các chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, chủ thẻ cần tìm hiểu kỹ quy định thanh toán để tránh bị phạt chậm trả.
HSBC Việt Nam khẳng định, các chính sách thanh toán thẻ tín dụng của Ngân hàng được công bố công khai trên trang web và trong hợp đồng dịch vụ với người dùng thẻ. Hằng tháng, người dùng thẻ đều nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số, Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, đối với các chủ thẻ tín dụng của Ngân hàng, khách hàng được miễn lãi 45 ngày. Trên thị trường có những ngân hàng cho khách hàng thanh toán tối thiểu tỷ lệ 5 - 10% dư nợ, LienVietPostBank áp dụng mức thanh toán tối thiểu 5%, Ngân hàng có từng hạn mức tiêu dùng áp dụng cho thẻ thường, thẻ gold cho từng nhóm khách hàng.
Khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng trong vòng 45 ngày sẽ không phải trả lãi suất cho ngân hàng, song nếu sau thời gian này mà chưa thanh toán được nợ, lãi suất sẽ được tính ở mức rất cao. Cụ thể, có ngân hàng áp dụng mức 17 - 18%/năm, nhưng cũng không ít ngân hàng áp dụng mức 30 - 40%/năm.
TS. Đinh Thế Hiển khuyến cáo, nếu người tiêu dùng không thận trọng và tỉnh táo trong mua sắm sẽ chi tiêu mạnh tay qua thể, khi đến kỳ trả nợ, ngân hàng đòi nợ mới tá hỏa. Trong khi đó, hiện nhiều người sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán các khoản tiền chi tiêu lớn, thậm chí là vay từ thẻ để bổ sung vào nguồn tiền mua nhà, nhưng không trả nợ đúng hạn, lãi phải trả sẽ rất cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, về lãi suất, từ nhiều năm nay, Ngân hàng nhà nước chỉ quy định 2 loại lãi suất. Thứ nhất là trần lãi suất tiền gửi đối với huy động ngắn hạn VND dưới 6 tháng, tối đa 5,5%/năm và 0%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD.
Thứ hai là trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ phụ trợ và ứng dụng công nghệ cao, nếu vay ngắn hạn thì lãi suất tối đa là 6,5%/năm. Các lãi suất còn lại là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, trong đó có lãi suất thẻ tín dụng.
Vân Linh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận