Tham vọng ‘vượt khó’ của Chứng khoán VIG
Kế hoạch tăng quy mô vốn điều lệ lên gấp 4 lần được kỳ vọng sẽ vực dậy hoạt động kinh doanh của VIG trong bối cảnh công ty này liên tục chịu thua lỗ do thị phần quá thấp.
CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã VIG) ngày 8/12 đã quyết định điều chỉnh tăng mức phát hành cổ phiếu riêng lẻ từ 66 triệu cổ phiếu lên 115 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng.
Theo VIG, mục đích của việc tăng mức phát cổ phiếu để tìm cổ đông chiến lược cho công ty có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh nhằm tái cấu trúc, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh cho công ty. Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của VIG sẽ tăng gấp 4 lần từ 341 tỷ lên gần 1.500 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 2008, VIG là một công ty chứng khoán quy mô nhỏ trong hệ thống, với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Sau 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù doanh thu hoạt động đạt 6,8 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng chi phí tăng tương ứng khiến VIG báo lỗ trước thuế 3,3 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ lỗ 2,1 tỷ đồng. Với kết quả này, VIG vẫn còn xa mới đạt mục tiêu lãi ròng cả năm 2021 là 700 triệu đồng.
Tính chung giai đoạn 2017-9T2019, VIG báo lỗ đỉnh điểm vào năm 2019 với giá trị lên đến 24 tỷ đồng, khiến lỗ lũy của công ty ngày một tăng thêm. Tính đến cuối quý III/2021, VIG báo lỗ lũy kế lên tới 172 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Tại ngày 30/9/2021, số nợ phải trả của VIG là 22,6 tỷ đồng, trong đó khoản nợ ngắn hạn với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là 5,9 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 7/5/2021, Hadico đã có công văn yêu cầu VIG thanh toán toàn bộ số nợ. Nếu công ty không thể thực hiện trả nợ, Hadico sẽ yêu cầu thủ tục phá sản đối với VIG.
VIG hiện có số vốn điều lệ 341,3 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông khá “loãng” khi có tới 3.705 cổ đông. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, dù có tới hàng nghìn cổ đông, song VIG phải triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021) nhiều lần vì không đủ túc số. Ở AGM 2021 lần 3 của VIG (tổ chức hôm 15/8/2021), chỉ có 4 đại biểu tham dự, đại diện cho 2,2 triệu cổ phần, chỉ chiếm 6,54% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, sau AGM 2021 lần 3, VIG đã đón thêm một cổ đông lớn La Mỹ Phượng. Từ ngày 15/9 – 16/9, bà Phượng đã liên tục gom mua thêm cả triệu cổ phiếu VIG, tăng mạnh tỉ lệ sở hữu từ 3,98% lên 7,09% vốn điều lệ.
Nữ cổ đông lớn của VIG La Mỹ Phượng cũng chính là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty 4 Oranges Co., Ltd - cái tên đứng sau những nhãn hiệu hàng đầu trên thị trường sơn Việt Nam như Mykolor, Spec, Sonboss, Expo...
Với khoản lợi nhuận khổng lồ đã tích luỹ được qua các năm, nữ doanh nhân họ La đã và đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực khác, mà chứng khoán là một trong những kênh nổi bật nhất. Ngoài VIG, vị doanh nhân này còn nắm trong tay 5,8 triệu cổ phiếu ART và 9,98 triệu cổ phiếu SBS.
Trở lại với VIG, cùng với việc phát hành cổ phiếu, ngày 17/12 tới đây, công ty này cũng sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIG ghi nhận đà tăng ngoạn mục gấp gần 8 lần trong vòng một năm. Từ vùng giá 2.200 đồng vào đầu năm, mã này đã tăng lên mức 18.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 2/12. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu VIG đã điều chỉnh về mức 17.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 10/12.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận