Tham vọng doanh nghiệp Việt
Tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành không thể không nhắc đến Vingroup (VIC), quá lớn mạnh và quá nổi tiếng ở mảng bất động sản mà ai cũng thấy. Tiếp đến là tiến sang mảng điện thoại, bán lẻ, giáo dục, du lịch, bệnh viện…
Những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc khi đó là Nam Hàn, một đất nước nghèo đói sau nội chiến, thậm chí nghèo hơn cả Việt Nam chúng ta. Nhưng chỉ sau vài chục năm ngắn ngủi, thu nhập bình quân đầu người của xứ kim chi đã gấp gần 10 lần những con người đang sống trên dải đất hình chữ S. Thậm chí, huyền thoại sông Hàn đã lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một thành tựu vô tiền khoáng hậu mà hiếm có đất nước nào trên thế giới đạt được.
Hàn Quốc được như ngày nay không ai có thể phủ nhận công lớn thuộc về cố tổng thống Park Chung Hee - cầm quyền trong giai đoạn 1963-1979, bất chấp việc ông lên nắm quyền nhờ đảo chính tại thời điểm chỉ là một thiếu tướng quân đội - vị trí nhỏ bé như chính đất nước Hàn Quốc trên chính trường quốc tế lúc đó. Quyết sách quan trọng nhất để phát triển kinh tế của tổng thống Park là tập trung tối đa tài nguyên tiền bạc, chính sách... vào số ít những quả đấm thép mang tên Chaebol - các tập đoàn đa ngành với sức mạnh vượt trội.
Vài Chaebol lớn nhất đất nước (SamSung, Hyundai, SK, LG…) đã chiếm tới hơn một nửa nền kinh tế Hàn Quốc, có sức mạnh sánh ngang các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Điểm chung của những Chaebol này chính là hoạt động đa ngành nghề, vì chỉ có như vậy mới phá vỡ được giới hạn của sự lớn mạnh. Tất nhiên đa ngành sẽ có nhược điểm của nó nhưng tại Hàn Quốc hay Nhật trước thế chiến thứ 2 thì ưu điểm của mô hình này đáng để cân nhắc.
Việt Nam mới chỉ thoát cấm vận được hơn 2 thập niên, nền kinh tế thị trường đang ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp Việt có điều kiện học hỏi, rút ngắn thời gian để qua đó trở thành những tập đoàn hàng đầu Châu Á, hoặc chí ít cũng là hàng đỉnh trong ao làng Đông Nam Á. Đa ngành là bài toán cần xem xét, vì nếu chỉ là một ngành thì rất khó bùng nổ về quy mô vì dung lượng thị trường nội địa không đủ lớn, còn tiến ra biển lớn đầy giông bão càng không đơn giản.
Tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành không thể không nhắc đến Vingroup (VIC), quá lớn mạnh và quá nổi tiếng ở mảng bất động sản mà ai cũng thấy. Tiếp đến là tiến sang mảng điện thoại, bán lẻ, giáo dục, du lịch, bệnh viện… Mặc dù chưa mang lại nhiều kết quả nhưng nó cho thấy quyết tâm của VIC. Nhưng hiện nay, khát khao mãnh liệt và đầy tham vọng của VIC chính là sản xuất xe hơi mang thương hiệu Vinfast. Có thể nói, VIC dành toàn bộ thời gian, tiền bạc và con người vào dự án này, dự án để đời của chủ tịch Phạm Nhật Vượng.
Sẽ rất thiếu xót nếu chúng ta quên đi tham vọng của tỉ phú ngành công nghiệp nặng Trần Bá Dương, chủ tịch Trường Hải Auto (THA). Luôn có mặt trong nhóm 3 hãng bán nhiều xe hơi nhất tại Việt Nam, coi như THA đã vững chắc vị thế nội địa nhưng không thể bùng nổ quy mô vì dung lượng thị trường có hạn và xuất khẩu khó khăn vì không có khả năng cạnh tranh. THA đã manh nha đa ngành khi dấn thân sang bất động sản với dự án tỉ USD tại khu đô thị Thủ Thiêm.
THA muốn trở thành tập đoàn hàng đầu của khu vực với tài sản hàng chục tỉ USD, gần như chỉ có một con đường duy nhất là hoạt động đa ngành. Mảnh ghép cuối cùng cho tham vọng hình thành thế kiềng ba chân vững mạnh của THA chính là tham chiến vào lĩnh vực nông nghiệp đấy hấp dẫn nhưng vô cùng khó nhằn. THA nắm giữ 75% cổ phần công ty con hoạt động trong mảng nông nghiệp là Thagrico (THG), phần còn thuộc về gia đình chủ tịch Trần Bá Dương.
Sẽ không có gì thú vị nếu mọi việc dừng tại đây, nhưng cuộc đời như một vở kịch khi THG bất đắc dĩ phải ôm của nợ HAGL Agrico (HNG), công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Không hiểu tỉ tê thế nào nhưng chỉ có tài năng bán hàng siêu quần của bầu Đức mới có thể khiến chủ tịch Dương móc hầu bao nửa tỉ USD mua HNG, doanh nghiệp được ví như cái cây thiếu nước và phân bón đang chết khô nhưng được bán với giá cắt cổ sánh ngang những cây lim Lào.
Không rõ nội tình, thâm cung bí sử thế nào nhưng ban đầu chủ tịch Dương dự kiến bỏ khoảng 3-4 ngàn tỉ để mua 35% cổ phần HNG mà thôi, nhưng giờ tổng số tiền đã ngót nghét gần 12.000 tỉ tương ứng với 63% HNG, thật bất ngờ và quá lãng phí tài nguyên. Chắc chắn một điều là THG không muốn thâu tóm và ôm trọn HNG làm gì, nhưng không hiểu chủ tịch Dương bị bầu Đức gài bẫy hay do yếu tố khách quan mà cớ sự lại ra thế này vì đổ quá nhiều tiền của vào đây.
Về phía HAG của bầu Đức, cần tiền để trả nợ là chắc chắn rồi, thế nên có chủ tịch Dương gánh nợ thay thì không có gì tuyệt vời hơn bằng cách bán thật nhanh thật mạnh cổ phiếu HNG, bán bất chấp cam kết trước đó là phải giữ trên 25% cổ phần. Tỉ lệ nắm giữ ban đầu của HAG tại HNG từ mức 47% xuống còn 16%, tương ứng 310 triệu cổ phiếu giấy được chuyển hoá sang bác Hồ. Quá nhanh quá nguy hiểm đến nỗi THG phải ngao ngán lắc đầu, phải tức giận và cảnh báo về việc làm không đúng thoả thuận của HAG.
Chuyện của bầu Đức có thể thông cảm được, bí quá và bị nợ vay suốt nhiều năm nay thì chuyện cam kết rồi này kia coi như .... Nhưng tham vọng đa ngành tạo thế kiềng ba chân của chủ tịch Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, tổng số tiền bỏ vào nông nghiệp lên tới 1.5 tỉ USD, trong đó ⅓ là để mua 63% cổ phần HNG. Chúng ta hãy xem 12 ngàn tỉ bỏ vào của nợ HNG hiệu quả thế nào, liệu có như những cây cao su què quặt bệnh tật chỉ chờ chặt lấy củi hay không.
Sau khi hoán đổi các kiểu, phát hành đủ loại, chơi các môn thể thao mạo hiểm thì HNG sẽ tăng vốn lên 18,5 ngàn tỉ nhưng tiền mặt là con số 0 tròn trĩnh và dự kiến sẽ vay THG 600 tỉ để có vốn chơi tiếp. HNG vẫn còn nợ ngân hàng 1 ngàn tỉ và nợ HAG 2 ngàn tỉ - khoản này tạm thời chơi cù nhầy để lâu ấy trâu hoá bùn như chính HAG trước kia. Nhìn vài con số đã thấy rất căng thẳng và mệt mỏi rồi.
HNG còn 35,8 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó tại Lào là 27,4 ngàn ha và Campuchia là 8,4 ngàn ha. Nếu nghe bầu Đức kể về tài sản trên thì chỉ có mồm chữ O, miệng chữ A mà thôi, ⅓ diện tích đất kể trên chưa khai thác, ⅔ trong đó đã canh tác và khai thác hiệu quả, sắp tới chỉ có thu và thu mà thôi. Cây ăn trái như chuối, mít, xoài… thu hoạch tới đâu xuất khẩu tới đó, cung không đủ cầu. Một phần đất nuôi heo với biên lợi nhuận lên tới 50% ...vân vân và …mây mây…
Còn với chủ tịch Dương, 5 ngàn ha chuối, 3.4 ngàn ha xoài và 7 ngàn ha cao su là còn giá trị, gần 60% diện tích còn lại là đất hoang hoặc những cây trồng còi cọc sâu bệnh, riêng trong đó là hơn 10 ngàn ha cao su sẵn sàng làm củi nhóm lửa để tăng sự nồng ấm cho những cơn gió Lào. Lúc này không hiểu chủ tịch Dương có thấy hối hận sau chuyến du hí cùng bầu Đức sang Lào và Cam để thăm quan những nông trường bạt ngàn (cao su, cọ dầu sắp chết héo).
Làm nông nghiệp không hề đơn giản chút nào, tử huyệt của bầu Đức chính là lạc quan thái quá với tâm lý rất ngon ăn. Đầu tiên là phụ thuộc vào ông trời, thời tiết cực đoan dẫn tới khô hạn không có nguồn nước tưới tiêu, lúc thì ngập lụt chết hàng ngàn ha chuối như trong năm 2019 vừa qua. Ngoài ra còn những vấn đề khác như thổ nhưỡng, giao thông, logistics bên Lào và Cam chưa được hoàn thiện cũng là khó khăn hiện hữu cần phải giải quyết.
Giả sử những vấn đề trên được khắc phục với chi phí cũng không hề rẻ chút nào thì tới bài toán tiếp theo là đầu ra sản phẩm. Khả năng cao điểm tập kết của nông sản vẫn là thị trường Trung Quốc. Nhu cầu của thị trường là vô hạn nhưng rất khó duy trì sự ổn định, tình trạng được mùa mất giá, lâu lâu cửa khẩu lại đóng cửa vài ngày vào mùa cao điểm thu hoạch… nói chung là đủ chiêu trò chơi xấu mà chúng ta phải hứng chịu. Nhưng thôi, bi quan không phải là cách sống tốt, hãy tạm tin tài năng của chủ tịch Dương có thể đập tan mọi khó khăn này.
Ở kịch bản rất lạc quan, trong 3 năm tới HNG có thể tăng gấp 2 lần diện tích cây ăn trái so với hiện nay và doanh thu có thể gấp 3 lần năm 2020 và đạt 6.000 tỉ. Biên lợi nhuận gộp 30% và sau khi trừ đi chi phí nhân sự, bán hàng.. thì lợi nhuận ròng 1.200 tỉ, tạm giả sử chi phí lãi vay không đáng kể. Để thấy rất lạc quan nếu so với kế hoạch năm 2021 chỉ đạt doanh thu 1.500 tỉ và lỗ 80 tỉ.
Đứng trên góc độ đầu tư tài chính thì HNG gần như không đáng để quan tâm, chỉ khi nào có thể tạo ra lợi nhuận vững chắc vượt 1.500 tỉ trên vốn 15.000 tỉ thì mới được định giá PE 10 lần. Mà con số 1.500 tỉ đối với HNG thì không biết bao giờ, thậm chí là bất khả thi trong thập niên này.
Suy tính của chủ tịch Dương rất rõ ràng, chỉ bỏ ra 3-4 ngàn tỉ mua 35% cổ phần HNG, còn lại dành 20.000 tỉ để mua đất và tự canh tác rồi thu hoạch trên đó, không vướng bận và có thể tập trung tối đa tài nguyên vào đây. Nhưng tiền đã giải ngân mà sổ đỏ đất không về, bầu Đức ép chủ tịch Dương phải hoán đổi cổ phần HNG thay vì nhận đất. Bài toán khó đã lộ ra, 1.5 tỉ USD đổ vào nông nghiệp, trong đó ⅓ là vào của nợ HNG, bỏ thì thương mà vương thì tội.
Quá nhiều tiền đổ vào nông nghiệp chắc chắn cần phải điều chuyển những con người ưu tú nhất của THA để tiếp quản mảng này. Điều bận tâm của chủ tịch Dương lúc này có lẽ là tìm đâu ra nhân sự tài năng giỏi quản lý và am hiểu ngành nông nghiệp, không nhiều người Việt Nam đủ trình độ làm việc này. Nhưng đó cũng là cơ hội cho những anh tài đang khát khao được thể hiện.
Kinh doanh đa ngành như con dao hai lưỡi, nhờ nó có thể áp đảo quần hùng, hiệu triệu thiên hạ nhưng cũng có thể là chơi dao có ngày đứt tay. Thắng thua hạ hồi phân giải nhưng chiến thần Trần Bá Dương vẫn là một trong những con người tài năng nhất mà đất Việt sản sinh ra được, thật đáng ngưỡng mộ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận