Tham nhũng vặt
Anh công an phường nổi cáu khi tôi xin xác nhận căn nhà mới mua không ở trong tình trạng tranh chấp. Anh bảo tôi về “nói bên địa chính phường gửi công văn sang đây”. - VnExpress
Tích cóp được chút tiền và vay thêm ngân hàng, vợ chồng tôi mua căn nhà nhỏ. Làm thủ tục sang tên hoàn chỉnh, chúng tôi dọn dẹp để chuyển về ở thì phát hiện nhiều vị trí xuống cấp bị chủ cũ sơn che đi. Để ở được, tôi phải sửa chữa. Nhưng tiền đã cạn, chúng tôi phải tiếp tục vay ngân hàng. Nhân viên tín dụng tư vấn tôi làm đề nghị sửa chữa, ra phường xin xác nhận để anh hoàn thiện hồ sơ giúp vay thêm.
Tôi làm đơn theo mẫu, mang lên địa chính phường xin xác nhận. Ngày đầu tiên tôi tới, cả phòng địa chính khóa cửa. Ngày thứ hai, một anh nhân viên bảo tôi rằng theo quyết định mới, địa chính không xác nhận đơn này nữa mà chỉ tiếp nhận và theo dõi. Tôi chỉ cần nộp ở Phòng một cửa.
Chị nhân viên Phòng một cửa liếc qua lá đơn, chỉ tôi ra chỗ có biển tên chị Hằng, dặn "9h sáng mai đến nộp". Ngày thứ ba tôi đến theo lời hẹn, gặp chị Hằng. Chị trả lời đơn này do địa chính xử lý và nhất quyết trả lại, mặc cho tôi trình bày là phòng địa chính bảo xuống đây nộp.
Thêm ngày thứ tư và ngày thứ năm lên xuống gặp anh địa chính, tôi mới đưa được các anh đến nhà chụp hình, lập biên bản. Tôi sau đó được hướng dẫn "liên hệ hàng xóm xin xác nhận không có tranh chấp, tổ trưởng tổ dân phố xác nhận, ra công an phường ký" và rồi trở lại nộp cho phòng địa chính. Tôi làm theo hướng dẫn, nhưng khi mang ra công an phường, tôi bị cáu và lại bị trả về phòng địa chính "xin công văn".
Không xin được xác nhận nghĩa là không vay được tiền, không sửa được nhà, không vào được nhà mới. Tôi mang hồ sơ đến gặp nhân viên ngân hàng kể sự tình. Anh nghe và lấy cái bì thư kẹp cùng hồ sơ, giơ mấy ngón tay trước mặt tôi và bảo: "Anh cho bằng này vào đây là xong". Tôi làm theo và quả đúng là nhân viên địa chính đã nhận hồ sơ, làm xác nhận và trả lại tôi trong 15 phút.
Kết quả của nỗ lực chống tham nhũng ở Việt Nam đã được tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận qua Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021. Theo đó Việt Nam đạt 39/100 điểm, tăng ba điểm so với năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Đây cũng chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2021.
Nhưng Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021, công bố hôm 10/5, cho thấy tỷ lệ người làm thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.
Tham nhũng vặt đã len lỏi vào quá trình này, khiến cho những kết quả đạt được ở lĩnh vực quản trị và hành chính công nhiều năm qua đều ở mức thấp. Để thực hiện hành vi bóp nặn những chiếc bì thư nhỏ, nhân viên hành chính đã thành thạo trong việc "mê cung hóa" các quy trình xử lý vốn đơn giản. Những người dân như tôi, dù muốn hay không đều phải tham gia vào quy trình đưa - nhận này, để được việc. Mấy ngón tay mà anh nhân viên ngân hàng giơ lên tạo thành một con số đủ an toàn để người đưa và người nhận không bị khép vào hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Nhưng thử hình dung, khi việc này được bình thường hóa, dòng tiền tạo ra do tham nhũng trên cả nước sẽ lớn đến mức nào.
Cũng theo công bố trên của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Indonesia chỉ kém Việt Nam một điểm (38 điểm) và xếp hạng 96, là nỗ lực vượt bậc so với thời tổng thống Mohamed Suharto. Nghiên cứu của Hendi Yogi Prabowo Kathie Cooper "Tìm hiểu lại nạn tham nhũng trong công chúng Indonesia, thông qua ba lăng kính hành vi" đã chỉ ra, dưới thời Mohamed Suharto, một môi trường "tham nhũng bền vững" từng bước được xây dựng với ba trụ cột: Thể chế hóa, Hợp lý hóa, và Xã hội hóa. Từ đây "tham nhũng trở thành bình thường hóa", ăn sâu vào cấu trúc và hoạt động của các tổ chức công mà thành viên trong tổ chức ấy coi vấn đề đó bình thường, hiển nhiên.
Nghiên cứu này khiến tôi giật mình nhận ra, tham nhũng ở quy mô lớn hóa ra được hình thành hoặc có bàn tay tổ chức từ những hành vi rất nhỏ, thậm chí bình thường, tôi hay bất cứ cá nhân nào cũng dễ dàng bị cuốn vào đó.
Ở Việt Nam, quản lý đất đai chính là lĩnh vực màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kiếm chác, là môi trường dễ xã hội hóa, bình thường hóa hoạt động tham nhũng.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 ra quyết định sửa Luật Đất đai năm 2013. Luật mới được kỳ vọng tạo ra một thể chế minh bạch, đảm bảo lợi ích từng người dân đối với đất đai, đồng thời không cho cơ hội để "tham nhũng vặt" hình thành văn hóa.
Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần hình thành cơ chế ngăn chặn tham nhũng vặt trước khi nó trở nên bình thường, tệ hơn là thành một thứ văn hóa, tập quán khó bỏ.
Nếu văn hóa tham nhũng đã hình thành như một lực cản, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà còn đe dọa sự tồn vong của dân tộc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận