Tham nhũng - vấn đề đáng lo ngại thứ tư của người dân Việt Nam
Đây là một trong những kết quả đang lưu ý của Báo cáo
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam. TT đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát xã hội học để cung cấp thông tin, bằng chứng và khuyến khích cho các hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật về PCTN của Việt Nam, trong đó có Phong vũ biểu Tham nhũng.
Tại Hội thảo Công bố báo cáo "Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB - 2019), bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc TT cho biết: Đây là lần thứ tư TT tiến hành khảo sát Phong vũ biểu này, sau các lần khảo sát vào năm 2010, 2013 và 2016. Phong vũ biểu tham nhũng tại Việt Nam phản ánh quan điểm và tiếng nói của người dân Việt Nam.
Ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ: VCB-2019 được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm và tăng cường các nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo đã nhận được sự hậu thuẫn về mặt chính trị cũng như sự ủng hộ ngày càng gia tăng của người dân Việt Nam.
Mặc dù còn nhiều thách thức cần phải giải quyết nhằm tăng cường hơn nữa nền quản trị cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, những nỗ lực gần đây đã giúp gia tăng niềm tin của người dân vào hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2019, TT đã phỏng vấn 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước; thực hiện các cuộc phỏng vấn định tính vào tháng 11 năm 2019. Phiên bản lần thứ 4 này của khảo sát nhằm cung cấp những thông tin mới về nhận thức và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng, đồng thời đưa ra khuyến nghị hành động cho các bên liên quan ở cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong PCTN
Thông báo những kết quả chính của VCB - 2019, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho rằng, người dân Việt Nam ngày càng quan ngại về tham nhũng. Khi được hỏi về những vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam đang đối mặt, một tỷ lệ lớn người tham gia khảo sát (43%) coi tham nhũng là vấn đề quan trọng thứ 4 mà Chính phủ cần giải quyết, sau xóa đói giảm nghèo, an toàn thực phẩm và an ninh/tội phạm. Mối quan ngại về tham nhũng đã tăng từ vị trí số 7 trong báo cáo GCB-2017 lên vị trí thứ 4 trong VCB-2019.
Kết quả của VCB - 2019 cho thấy, gần 1/5 người nói rằng họ đã đưa hối lộ, giảm đáng kể so với những năm trước. Trong số những người được khảo sát có tiếp xúc với ít nhất một trong số 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát trong năm trước đó, khoảng 18% cho biết họ đã đưa hối lộ. Đây là lần đầu tiên khảo sát ghi nhận có sự giảm rõ rệt về trải nghiệm tham nhũng của người dân so với các khảo sát trước đây.
Theo VCB - 2019, các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Nhà nước được cho rằng có hiệu quả hơn. Khoảng 1/2 số người được khảo sát (49%) cho rằng các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Nhà nước là có hiệu quả hoặc rất có hiệu quả, tăng hơn một nửa so với tỷ lệ 21% vào năm 2016.
Cũng theo VCB - 2019, nhiều người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong phòng, chống tham nhũng: 71% những người được hỏi trong khảo sát 2019 cho rằng họ có vai trò trong đấu tranh chống tham nhũng. Tỷ lệ này tăng lên so với năm 2016 (55%) và năm 2013 (60%) và là tỷ lệ cao nhất ghi nhận được cho đến nay về số lượng người có quan điểm. Tuy nhiên, gần một nửa cho biết họ không tố cáo tham nhũng do sợ phải gánh chịu hậu quả.
Người dân quan ngại về khả năng chi phối thiếu minh bạch của các công ty/tập đoàn tư nhân lớn và các nhóm lợi ích. Theo đó, 54% số người được hỏi tin rằng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn luôn luôn hoặc thường xuyên chi phối các chính sách và quyết định của Nhà nước vì tư lợi.
Người dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có tính liêm chính cao hơn. Cụ thể, người dân cho rằng cần nâng cao tính liêm chính của các cán bộ, công chức nhà nước (36%) cũng như cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng tham nhũng (39%).
Đặc biệt, báo cáo của TT cho biết, nữ giới nổi lên như là một chủ thể quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Dường như nữ giới lên án tham nhũng nhiều hơn so với nam giới (48% so với 38%) và được cho là “trong sạch hơn” (chỉ 4% nữ giới bị coi là tác nhân gây ra tham nhũng so với 88% nam giới). Trong thực tế, tỷ lệ nữ giới được khảo sát có đưa hối lộ cũng ít hơn nam giới (15% so với 21%).
Trong khi đó, nam giới được xem là tác nhân chính gây ra tham nhũng. Kết quả cho thấy đa số người được hỏi cho rằng nam giới vừa là tác nhân (88%) vừa là nạn nhân (63%)
của tham nhũng. Những con số này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ người cho rằng nữ giới là tác nhân (4%) hoặc nạn nhân (23%) của tham nhũng. Kết quả trên cho thấy dường như như nam giới thường là tác nhân gây ra tham nhũng còn nữ giới thường là nạn nhân của tham nhũng.
Hối lộ tình dục là một vấn đề đáng lo ngại. Gần 4/5 số người được hỏi (78%) cho rằng hối lộ tình dục là “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” ở Việt Nam, mặc dù chỉ có 3% cho biết đã từng gặp phải vấn đề này hoặc biết ai đó từng gặp phải vấn đề này.
Người dân tin rằng các công ty/ tập đoàn tư nhân lớn và các nhóm lợi ích chi phối các chính sách và quyết định của chính phủ: 54% người được hỏi cho rằng các công ty tư nhân lớn “luôn” hoặc “thường” chi phối các chính sách và quyết định của chính phủ (xem Biểu đồ 6). Phát hiện này phản ánh mối quan tâm và những thảo luận rộng rãi trên truyền thông về tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đến sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Khi được hỏi chính phủ cần có những ưu tiên gì trong phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đa số người tham gia khảo sát chọn cách tiếp cận “thưởng, phạt” đối với cán bộ, công chức nhà nước. Theo đó, những hoạt động được khuyến nghị hàng đầu là “nâng cao tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước” (36%) và “trừng phạt thích đáng các tội phạm tham nhũng” (39%). 14% người được phỏng vấn cho rằng cần có cơ chế tố cáo hiệu quả hơn để “bảo vệ tốt hơn các nạn nhân, nhân chứng và người tố cáo tham nhũng.”
Theo VCB - 2019, người dân Việt Nam vẫn nhìn nhận tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số kết quả của khảo sát VCB - 2019 đem đến cho chúng ta niềm hy vọng về những thay đổi tích cực trong thời gian tới. Cần tiếp tục duy trì đà phát triển này nhằm giảm tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững.
Những khuyến nghị
Để những thay đổi này trở thành hiện thực, trong bối cảnh trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, Tổ chức Hướng tới Minh bạch đưa ra một số khuyến nghị sau. Cụ thể, đối với Đảng và Nhà nước, TT đề xuất cần tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu nạn hối lộ và các loại hình tham nhũng khác, gia tăng các biện pháp đảm bảo tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Đưa ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh tác động không chính đáng vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân.
Đảng và Nhà nước cũng cần trao quyền cho người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào phòng, chống tham nhũng; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua các biện pháp như hỗ trợ họ tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị và các hoạt động trong khu vực công; Nhận biết và giải quyết các hình thức tham nhũng cụ thể mang tính chất giới, ví dụ như hối lộ tình dục thông qua việc hoàn thiện khung pháp luật để phòng ngừa và xử lý hiệu quả hình thức tham nhũng này.
Trong khi đó, doanh nghiệp cần thúc đẩy và thực hành liêm chính, minh bạch trong kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tính đến xu hướng người tiêu dùng: 2/3 số người được khảo sát trong VCB-2019 trả lời họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua hàng hóa/dịch vụ của những công ty có uy tín tốt. Người dân có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách kiên quyết chấm dứt việc đưa và từ chối đưa hối lộ.
Được biết, VCB - 2019 được Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện giúp TT thực hiện khảo sát. Có mặt tại hội thảo, Ngài Kim Hojlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào khẳng định, những phân tích và kết quả của Phong vũ biểu tham nhũng là thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan PCTN, các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu và các bên liên quan khác trong việc chung tay đảy lùi TN; qua đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam có những điều chỉnh phủ hợp trong thời gian tới. "Nỗ lực chống tham nhũng không có vùng cấm" - cam kết chính trị này của Chính phủ Việt Nam có ý nghĩa thực sự quan trọng.
VCB-2019 mang đến hy vọng về những thay đổi tích cực trong phòng, chống tham nhũng, nhất là trong bối cảnh mức độ đưa hối lộ giảm xuống, các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước chứng tỏ hiệu quả cao hơn và tỷ lệ người dân sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận