menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Hưng

Tham nhũng bạc lẻ

254 lãnh đạo và đăng kiểm viên bị cáo buộc "ăn chia" từng đồng bạc lẻ trên mỗi phương tiện kiểm định, tạo nên mạng lưới tham nhũng có tổ chức, trong thời gian dài, được ví như "ung thư di căn" trên toàn hệ thống.

Tham nhũng bạc lẻ
Tham nhũng bạc lẻ
Tham nhũng bạc lẻ

Cục trưởng Đặng Việt Hà bị cáo buộc hưởng lợi 9 tỷ đồng, và chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng của các thuộc cấp. Người tiền nhiệm, ông Đặng Kỳ Hình, cũng bị truy tố vì đã nhận tiền ăn chia và tiếp tay cho hàng loạt sai phạm của cấp dưới.

Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, tiêu cực trong ngành đăng kiểm đã bắt đầu từ ít nhất 10 năm trước. Thực tế này đi ngược lại nỗ lực chống tham nhũng của hệ thống chính trị khi đó.

Năm 2014, khi một số trung tâm đăng kiểm có biểu hiện nhũng nhiễu, Thủ tướng ban hành riêng một chỉ thị về chống tiêu cực trong ngành. Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý trực tiếp, nghiêm khắc kêu gọi toàn ngành "thanh lọc đội ngũ", không khoan nhượng với hành vi tham nhũng, cán bộ dung túng, bao che.

"Quan điểm Bộ là phải làm thật nghiêm, triệt để, không sợ không còn người làm việc", Bộ trưởng khi đó chỉ đạo trong một hội nghị phòng chống tham nhũng giữa tháng 4/2014.

Loạt hành động đã được Cục Đăng kiểm đưa ra. Các trung tâm phải dành riêng một đường dây nóng cho chủ xe phản ánh bức xúc. Một đề án nâng cao chất lượng đăng kiểm, hạn chế tiêu cực được ban hành. Cục phó Cục Đăng kiểm khi ấy thậm chí còn giả làm tài xế, phát hiện đăng kiểm viên tại Bình Thuận nhận hối lộ. Hàng loạt nhân viên bị đình chỉ, kỷ luật.

Tuy nhiên, sau một thập kỷ toàn ngành giương cao ngọn cờ "thanh lọc đội ngũ", ít nhất 800 người từ cấp Cục đến các trung tâm đăng kiểm trên cả nước chuẩn bị hầu tòa vì hành vi nhận hối lộ, chia chác, chung chi suốt nhiều năm.

Hệ thống trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước được chia thành ba nhóm: trực thuộc Cục Đăng kiểm (khối V); do Sở Giao thông Vận tải địa phương quản lý (khối S); và các cơ sở do doanh nghiệp tư nhân đầu tư (khối D).

Lãnh đạo Cục và hàng trăm đăng kiểm viên đã hình thành đường dây tham nhũng có tổ chức từ trên xuống dưới, len lỏi ở mọi quy trình: đăng kiểm phương tiện - trên cả đường bộ lẫn đường thuỷ; cấp phép cho trung tâm tư nhân; can thiệp phần mềm đăng kiểm… Hệ quả là ít nhất 70.000 xe cơ giới kiểm định sai, khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường bị cấp trái quy định, theo ước tính của Bộ Công an.

Vụ án tại TP HCM điển hình cho những hành vi phạm tội có hệ thống của ngành đăng kiểm. Ít nhất 254 người bị khởi tố - chiếm 1/3 tổng số bị can trên cả nước. 16 trong tổng số 17 trung tâm bị xác định có tiêu cực, gồm: 5/5 khối V; 9/9 khối D; và 2/3 khối S (trừ trung tâm 50-03S).

Sức ép chung chi

Đường dây tham nhũng ngành đăng kiểm bị phanh phui khi cảnh sát TP HCM mở rộng điều tra manh mối từ hai xe tải cơi nới thành thùng có Giấy chứng nhận kiểm định do trung tâm đăng kiểm tại Long An cấp. Thông số kỹ thuật trên giấy tờ lại sai lệch với cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo điều tra, tiêu cực xảy ra đầu tiên tại các trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý. Trong gần 10 năm, việc tham nhũng đã được quy trình hoá để "ăn" trên từng đầu xe, chia trên từng đầu người. Lãnh đạo và đăng kiểm viên thống nhất chủ trương nhận hối lộ của tài xế để "cho qua", sau đó gom lại mỗi cuối ngày, chia theo tỷ lệ thoả thuận.

Cáo trạng của VKSND TP HCM cáo buộc, vi phạm chính của nhóm này là đưa - nhận - môi giới hối lộ để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn và cấp Giấy chứng nhận cho hai loại phương tiện: xe cơ giới đường bộ (đăng kiểm định kỳ); và xe cơ giới cải tạo. Ngoài ra, nhiều trung tâm xác định có vi phạm trong: Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức…

Mốc thời gian nhận hối lộ và số người bị truy tố của các trung tâm

Tham nhũng bạc lẻ

50-05V (quận 12 và Tân Bình) là trung tâm bị xác định có số tiền tham nhũng nhiều nhất, trong thời gian dài nhất. Vòng xoáy tham nhũng bắt đầu từ năm 2014, khi ông Nguyễn Đình Quân được Cục Đăng kiểm Việt Nam bổ nhiệm làm Giám đốc. Cả trung tâm khi đó thống nhất chủ trương nhận hối lộ từ tài xế.

Sau 50-05V, trung tâm 50-06V là nơi tiếp theo xuất hiện tiêu cực từ năm 2016 - khi ông Nguyễn Thanh Long trở thành giám đốc.

Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này. Đăng kiểm không còn là ngành "độc quyền" của nhà nước, đồng nghĩa mức độ cạnh tranh gay gắt hơn. Cùng lúc, Cục Đăng kiểm Việt Nam giao chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định xuống từng trung tâm khối V.

Trước áp lực này, từ năm 2018, Trung tâm 50-07V (quận Bình Tân) và 50-03V (TP Thủ Đức) đã thay đổi chủ trương từ "không cho phép đăng kiểm viên nhận tiền", thành nhận hối lộ để bỏ qua lỗi kiểm định. Mục đích là tăng thu nhập nhân viên và có tiền để chung chi cho lãnh đạo Cục.

Tham nhũng dần trở thành "luật ngầm" của ngành. Các trung tâm tư nhân (khối D) dù mới gia nhập cũng nhận tiền đút lót từ tài xế. Mỗi đơn vị tự xây dựng quy trình và tỷ lệ phân chia riêng, nhiều nơi còn có "cò" môi giới chuyên trách dắt mối chủ xe đưa hối lộ.

Thủ đoạn chung với các loại xe đăng kiểm định kỳ là cho phương tiện đạt ngay lần đầu nếu tài xế để tiền trên xe, bất kể chất lượng. Ngược lại, họ sẽ bắt lỗi, "vạch lá tìm sâu", yêu cầu chủ xe kiểm định lại. Khách hàng nếu "hiểu ý" và chấp nhận chi tiền sẽ được cho qua ở lần hai.

Mức giá "bôi trơn" phổ biến tại các trung tâm mỗi lượt đăng kiểm là 100.000 đồng với xe con, và 200.000-300.000 đồng với các loại xe tải, đầu kéo, tuỳ kích cỡ. Số tiền được các trưởng chuyền tổng kết vào cuối ngày, báo cáo cho Ban Giám đốc.

Giá hối lộ theo loại xe đăng kiểm định kỳ

Tham nhũng bạc lẻ

Sau khi chia tiền tương ứng theo vị trí từ cao đến thấp, lãnh đạo các trung tâm khối V chung chi cho hai đời Cục trưởng Đăng kiểm là ông Trần Kỳ Hình (giai đoạn tháng 1/2014-7/2021) và Đặng Việt Hà (8/2021-12/2022).

Khoản hối lộ cho Cục trưởng Trần Kỳ Hình không đồng đều giữa các đơn vị. Có nơi chung chi hàng tháng với tổng số tiền lên tới cả tỷ đồng, có cơ sở hối lộ chưa đến 100 triệu đồng.

Đến thời Cục trưởng Hà, một mức giá chung bị áp đặt cho các giám đốc trung tâm khối V: 8.000-15.000 đồng trên mỗi lượt đăng kiểm, áp dụng từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2022. Các cơ sở này phải thống kê số lượt xe đăng kiểm và "chia phần" hàng tháng cho Cục trưởng. Như lời khai của Giám đốc Trung tâm 50-06V, mỗi lần ra Hà Nội họp giao ban, ông đều gặp Cục trưởng Hà tại phòng làm việc để gửi phong bì với số tiền hối lộ đã được đổi sang USD.

Tình trạng nhận hối lộ của tài xế để bỏ qua lỗi đăng kiểm cũng diễn ra ở trung tâm tư nhân (khối D). Tuy nhiên, nhóm này không phải chung chi hàng tháng cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm, theo cáo trạng của VKSND TP HCM.

2/7 trung tâm được xác định chi tiền lót tay cho ông Trần Kỳ Hình để được cấp mã số đăng kiểm, biếu xén ông Đặng Việt Hà để hoạt động thuận lợi, và hối lộ đoàn thanh tra của Cục. Số tiền mỗi lần từ 10 triệu đồng đến 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng theo tỷ giá tại thời điểm đưa tiền).

Trong vụ án, Công an TP HCM mở rộng điều tra tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm tư nhân do ông Trần Lập Nghĩa làm chủ ở khu vực Tây Nam Bộ. Chính trung tâm của ông Nghĩa tại Long An đã đăng kiểm đạt cho hai xe tải cơi nới thành thùng mà CSGT TP HCM phát hiện.

Từ đây, cơ quan điều tra phát hiện "ông trùm" này không chỉ chung chi mạnh nhất cho lãnh đạo các cơ quan quản lý, mà còn chỉ đạo thực hiện loạt hành vi trái pháp luật, gồm: giả chữ ký trong hồ sơ đăng kiểm; sử dụng phần mềm để chỉnh sửa, làm giả kết quả trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm từ không đạt thành đạt...

Mánh khoé được nhiều trung tâm đăng kiểm áp dụng với xe cải tạo (thay đổi hình dáng, kết cấu, thông số kỹ thuật ban đầu) là "bao" dịch vụ tạo hồ sơ thiết kế khống.

Theo quy định, chủ xe muốn được nghiệm thu đăng kiểm cần có hồ sơ thiết kế do các công ty được cấp phép thực hiện, và thẩm định từ Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, với sự tiếp tay của các đăng kiểm viên, chủ xe tự cải tạo hoặc thi công ở nơi không có đăng ký, không có hồ sơ xuất xưởng, chỉ cần mang phương tiện đến trung tâm đăng kiểm sẽ được lo từ A đến Z.

Chi phí hối lộ cao nhất là 10-12 triệu đồng. Trong đó, đăng kiểm viên sẽ mua hồ sơ cải tạo khống từ các công ty thiết kế với giá 6-7 triệu đồng để hợp thức hoá thủ tục nghiệm thu, số còn lại bỏ túi riêng. Một số chủ xe đã mua sẵn hồ sơ khống thì hối lộ thấp hơn, 1-1,5 triệu đồng, để nghiệm thu trái quy định.

Với các trường hợp xe cải tạo được miễn hồ sơ thiết kế, phí "hối lộ" là 1-1,5 triệu đồng, tuỳ trung tâm. Đăng kiểm viên sẽ chi khoảng 200.000 đồng để mua một bộ hồ sơ cải tạo khống từ các công ty được cấp phép, còn lại chia nhau.

Giá hối lộ xe cải tạo tại các trung tâm đăng kiểm

Tham nhũng bạc lẻ

"Mỏ vàng" của lãnh đạo Cục Đăng kiểm

Sai phạm trong đăng kiểm xe cải tạo không chỉ xảy ra ở các tài xế đơn lẻ. Nhiều công ty trong lĩnh vực thiết kế xe hoán cải cũng tạo nên một đường dây tham nhũng với Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) của Cục Đăng kiểm để làm hồ sơ khống. Tại phòng VAR, 22 cá nhân từ trưởng, phó phòng đến nhân viên đều ăn chia tiền hối lộ của các doanh nghiệp nộp hồ sơ. Đây trở thành "mỏ vàng" của Cục Đăng kiểm.

Trần Anh Quân, nhân vật quyền lực nhất tại VAR, khi nhậm chức quyền trưởng phòng vào tháng 3/2019, đã vạch chủ trương bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế cải tạo xe, giao nhân viên thực hiện.

Với mức phí "ngầm" 1,5-3 triệu đồng mỗi hồ sơ, ban đầu, Quân "bỏ túi" 700.000 đồng, còn lại chia phó phòng và các nhân viên. Trong đó, mỗi tháng, Quân "cống nạp" cho Cục trưởng Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng và Cục phó Đặng Việt Hà 20 triệu đồng.

Khi ông Hình nghỉ hưu vào tháng 8/2021, Đặng Việt Hà tiếp quản ghế lãnh đạo cao nhất của Cục Đăng kiểm, đã lập tức đưa ra "luật chơi" mới, giành phần lớn nhất của "miếng bánh". Theo cáo trạng, ông Hà yêu cầu phòng VAR đảm bảo "lợi ích của Cục trưởng là cao nhất" và phải báo cáo chính xác số lượng hồ sơ xe cải tạo thẩm định thiết kế. Hiểu ý sếp, Quân chấp nhận "chia lại ván bài", chỉ nhận 300.000 đồng mỗi hồ sơ, trong khi đưa Hà 400.000 đồng, còn mức chia cho cấp dưới giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.

Nhờ đó, chỉ trong vòng một năm, từ tháng 8/2021 đến 9/2022, Đặng Việt Hà đã "bỏ túi" gần 5,4 tỷ đồng từ phòng VAR, tương ứng gần 13.400 hồ sơ thẩm định cải tạo xe. Phòng chức năng này đem về cho Đặng Việt Hà nguồn lợi lớn hơn tiền chung chi của toàn bộ trung tâm đăng kiểm.

Tổng cộng, từ tháng 3/2019 đến 9/2022, các bị can nhận hối lộ 60 tỷ đồng của 16 công ty, bỏ qua các lỗi, sai sót trên hồ sơ để cấp 29.676 Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Trong số này, 7 công ty với 11 bị can bị Cơ quan điều tra Công an TP HCM khởi tố, còn lại do các tỉnh khác thụ lý.

Mạng lưới tham nhũng giữa lãnh đạo Cục Đăng kiểm và các trung tâm

Tham nhũng bạc lẻ

Sai phạm không chỉ diễn ra ở đăng kiểm đường bộ mà cả đường thuỷ. Cáo trạng cho thấy các bị can Phòng Tàu sông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để "bao" trọn gói dịch vụ cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thuỷ nội địa. Thủ đoạn tương tự như với xe cơ giới cải tạo. Do đó, nhiều cơ sở đóng tàu dù không đủ năng lực nhưng vẫn được cấp phép hoạt động. Ở cấp thấp hơn, đăng kiểm viên tại các Chi cục đăng kiểm số 6, số 9, Hải Hưng cũng nhận hối lộ để bỏ qua lỗi cho các chủ tàu, cấp Giấy chứng nhận dù tàu chưa đủ chuẩn.

Tuy nhiên, các cán bộ tại Phòng Tàu sông và Chi cục Đăng kiểm đường thuỷ được xác định không chung chi cho lãnh đạo Cục. Do đó, với sai phạm của nhóm này, Cục trưởng Trần Kỳ Hình và Cục phó Nguyễn Vũ Hải (phụ trách đăng kiểm đường sông) bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ do ký hồ sơ cấp phép cho cơ sở chưa đủ năng lực.

Số tiền hưởng lợi theo nhóm bị can

Tham nhũng bạc lẻ

Tổng kết vụ án, cơ quan công an xác định Đặng Việt Hà hưởng lợi trực tiếp hơn 8,5 tỷ đồng. Người tiền nhiệm Trần Kỳ Hình bỏ túi số tiền hối lộ gần 7 tỷ đồng. Trần Anh Quân, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới nhận hơn 12 tỷ đồng, trở thành người hưởng lợi bất chính nhiều nhất trong đại án đăng kiểm, vượt mặt hai vị cục trưởng cấp trên.

Đối với khối trung tâm đăng kiểm, Trần Lập Nghĩa là giám đốc hưởng lợi nhiều nhất - gần 13 tỷ đồng. Tại các cơ sở đăng kiểm khác, mỗi người quản lý bỏ túi mức bình quân từ vài trăm triệu đến dưới 3 tỷ đồng.

Chuỗi phạm tội của các nhân vật chủ chốt trong đại án đăng kiểm được nhận định là "có tổ chức, xuyên suốt trong thời gian dài", gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức.

Sau 10 năm kể từ chỉ thị chống tiêu cực của Thủ tướng, ngành đăng kiểm thất bại trong việc "thanh lọc đội ngũ". Bộ trưởng Giao thông Vận tải đương thời - Nguyễn Văn Thắng - từng ví von sai phạm của ngành đăng kiểm nghiêm trọng, kéo dài giống như "ung thư di căn nhiều năm". Đặc biệt, việc cựu cục trưởng nhận tiền theo tháng giống như hành vi bảo kê tội phạm, "không thể tha thứ".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả