Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong tháng Tư
Bộ Tài chính Mỹ đã báo cáo khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 738 tỷ USD trong tháng 4/2020, giữa bối cảnh chi tiêu chính phủ tăng vọt còn nguồn thu thuế đi xuống.
Mỹ tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy tích cực về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế quốc gia, khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát ở nước này.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/5 đã báo cáo khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 738 tỷ USD trong tháng 4/2020, giữa bối cảnh chi tiêu chính phủ tăng vọt, còn nguồn thu thuế đi xuống vì các biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong tháng Tư đã phản ánh quy mô khổng lồ của hoạt động chi tiêu chính phủ với mục tiêu giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19. Mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trước đó mà Mỹ từng ghi nhận là 235 tỷ USD vào tháng 2/2020.
Khoản thâm hụt ngân sách của Mỹ trong bốn tháng năm này đã tăng lên 1.480 tỷ USD, vượt xa so với mức thâm hụt 531 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Quốc hội Mỹ ngày 27/3 đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 2.300 tỷ USD để giúp nền kinh tế đối phó với khủng hoảng COVID-19. Kể từ đó, Quốc hội Mỹ đã bổ sung thêm các gói cứu trợ khẩn cấp khác để giúp bảo vệ các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đưa tổng giá trị các biện pháp này lên khoảng 3.000 tỷ USD.
Tháng Tư là tháng đầu tiên một số chương trình kích thích kinh tế bắt đầu được triển khai. Bộ Tài chính Mỹ ước tính khoảng 600 tỷ USD chi tiêu trong tháng này được dành cho các biện pháp cứu trợ của chính phủ, trong khi thu ngân sách đã giảm khoảng 300 tỷ USD.
Thông thường, Tháng Tư là tháng Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận thặng dư do các khoản thanh toán thuế đến hạn nộp vào ngày 15/4. Nhưng trong năm nay, thời hạn này đã được lùi tới ngày 15/7 do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong một báo cáo riêng công bố cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng của nước này trong tháng Tư đã giảm mạnh nhất kể từ cuộc suy thoái hồi năm 2008, do nhu cầu xăng dầu và các dịch vụ bao gồm cả việc đi lại bằng máy bay “lao dốc."
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng trước đã giảm 0,8% so với tháng Ba. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2008 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái và ghi dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp của chỉ số này, sau mức giảm 0,3% của tháng Ba.
Trong tháng trước, giá xăng tại Mỹ đã giảm tới 20,6% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2008. Điều này đã bù đắp mức tăng 1,5% của giá thực phẩm trong cùng giai đoạn, vốn là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1990.
So với tháng 4/2019, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,3%, đánh dấu mức tăng theo năm nhỏ nhất kể từ tháng 10/2015 và thấp hơn hẳn mức tăng 1,5% của tháng Ba.
Khi không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI cốt lõi của Mỹ giảm 0,4% trong tháng 4/2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thu thập vào năm 1957. Tháng Tư cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1982, chỉ số CPI cốt lõi này giảm hai tháng liên tiếp.
Còn khi so sánh với cùng kỳ năm 2019, CPI cốt lõi của Mỹ ghi nhận mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2011 là 1,4% sau khi tăng 2,1% trong tháng Ba.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận