24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Khương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thái Lan trước sức ép cải cách cơ cấu kinh tế do già hóa dân số

Bộ Tài chính Thái Lan đang ngày càng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực lạm phát cao hơn trong dài hạn khi quốc gia Đông Nam Á này chuyển đổi sang một xã hội lão hóa.

Thái Lan trước sức ép cải cách cơ cấu kinh tế do già hóa dân số

Tờ Bangkok Post mới đây dẫn nguồn tin cho biết, dân số Thái Lan đang già đi nhanh chóng, do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng. Tỷ lệ dân số cao tuổi lớn hơn có nghĩa là lực lượng lao động sẽ giảm đi.

Thái Lan được coi là xã hội "lão hóa" kể từ năm 2005 khi có 10% dân số từ 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên của nước này dự kiến đạt 20% trong năm nay. Quỹ đạo của Thái Lan cho thấy nước này đang trên đường trở thành một xã hội "siêu già" vào năm 2031, nghĩa là 28% dân số sẽ từ 60 tuổi trở lên.

Lực lượng lao động là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Lực lượng lao động thu hẹp có thể dẫn đến việc tăng lương mạnh, gây áp lực lên lạm phát trong nước.

Theo Bộ Tài chính, tính đến năm 2021, Thái Lan có 42 triệu người tham gia lực lượng lao động trên tổng dân số 69,3 triệu người. Số người tham gia lực lượng lao động được dự đoán sẽ giảm xuống 36 triệu vào năm 2037.

Ngoài việc gia tăng áp lực lên tăng trưởng kinh tế, dân số già hơn sẽ ảnh hưởng đến gánh nặng tài khóa của Chính phủ. Từ năm 2013-2016, ngân sách phúc lợi ở mức 18% chi tiêu hàng năm của Chính phủ. Con số này đã tăng lên 22% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021.

Ngân sách phúc lợi rất khó cắt giảm và phần lớn là ngân sách ràng buộc dài hạn. Trong ngắn hạn và trung hạn, Bộ Tài chính nước này có thể cần tìm cách nâng cao nguồn thu của Chính phủ. Cơ cấu thuế có thể sẽ được cải tiến, với công nghệ được áp dụng để tăng hiệu quả thu thuế.

Trong nỗ lực tốt nhất để đối phó với sự gia tăng của dân số già, Chính phủ Thái Lan đã phát triển một hệ thống lương hưu đa trụ cột để bao phủ tất cả các nhóm, nhằm cung cấp mức bảo vệ tối thiểu như phúc lợi xã hội hoặc hỗ trợ thông qua trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi.

Trong một chương trình khác, Chính phủ tăng đóng góp vào Quỹ An sinh Xã hội, Quỹ Hưu trí của Chính phủ, hoặc các kế hoạch được tài trợ tự nguyện như Quỹ Tiết kiệm Quốc gia cho người lao động tự do.

Mặc dù có các quỹ như vậy, nhiều người lao động phi chính thức vẫn không đủ tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu để trang trải chi phí. Theo số liệu của Bộ Tài chính, có 20,4 triệu lao động phi chính thức ở Thái Lan và chỉ 5,82 triệu người có tiền tiết kiệm.

Mức thu nhập được cho là đủ trang trải các chi phí cơ bản sau khi nghỉ hưu là nên ở mức khoảng 50-60% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nguồn tin nói trên cho biết, những người trong hệ thống an sinh xã hội hầu hết không có thêm tiền tiết kiệm và lương hưu của họ chỉ tương đương 20% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Chỉ có công chức, những người là thành viên của Quỹ hưu trí của Chính phủ, có thu nhập sau khi nghỉ hưu đáp ứng yêu cầu đó.

KKP Research, một công ty nghiên cứu thuộc tập đoàn tài chính Kiatnakin Phatra, gần đây công bố báo cáo cho thấy cơ cấu nhân khẩu học đang thay đổi nhanh chóng của Thái Lan tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của đất nước trong vài năm qua và sẽ tạo thêm áp lực kinh tế trong tương lai.

Báo cáo chỉ ra rằng Thái Lan đang tiến gần đến trạng thái xã hội lão hóa đầy đủ trong khi vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Năm 2020, tuổi trung bình của người Thái là 40,1 và ở mức già nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển của châu Á.

Theo báo cáo, với kịch bản này, tác động đến các vấn đề cơ cấu sẽ ngày càng sâu sắc, đặc biệt là đối với tiêu dùng và đầu tư trong nước. Chính phủ chắc chắn sẽ phải đối mặt với gánh nặng tài khóa cao hơn do chi tiêu phúc lợi gia tăng.

Thái Lan trước sức ép cải cách cơ cấu kinh tế do già hóa dân số

Tỷ số phụ thuộc tuổi già phản ánh số người cao tuổi ở độ tuổi không hoạt động kinh tế nói chung so với số người trong độ tuổi lao động. Tỷ số phụ thuộc già của Thái Lan được dự báo sẽ tăng từ 18% vào năm 2020 lên 30% vào năm 2030.

KKP cho biết, với cơ cấu nhân khẩu học đang thay đổi, xu hướng “dân số xám” được cho là sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trên mọi phương diện. Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng trong tương lai có thể giảm từ mức 3,2-3,5% hiện tại xuống 2,6-2,8%.

Báo cáo của KKP cho rằng Thái Lan cần cải cách cơ cấu kinh tế để duy trì tăng trưởng lâu dài. Cần có các công nghệ tiên tiến để thay thế sức lao động của con người. Hơn nữa, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua nền kinh tế sáng tạo và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là những giải pháp quan trọng.

Chính phủ cũng nên hỗ trợ các sửa đổi pháp lý để thúc đẩy dịch chuyển lao động xuyên biên giới và phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động chuyển đổi sang sử dụng công nghệ và tự động hóa. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Chính phủ nên làm cho hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn bằng cách khuyến khích tăng năng suất và khả năng cạnh tranh trong khu vực tư nhân.

Thái Lan lấy ngày 13/4, ngày đầu tiên của Tết cổ truyền Songkran, làm Ngày người cao tuổi quốc gia. Chính phủ đã đưa vấn đề dân số lão hóa vào chương trình nghị sự quốc gia và sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch dành cho người cao tuổi để chuẩn bị cho việc quốc gia Đông Nam Á này trở thành một xã hội lão hóa.

Đầu năm nay, Nội các Thái Lan đã thông qua một chương trình lương hưu mới, theo đó cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải đóng góp với mức đóng tối thiểu dao động từ 3-10% lương tùy thuộc vào thời hạn làm việc.

Đối với những người trong độ tuổi từ 25 đến 59, Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm và nỗ lực giáo dục nhóm người này về cách chăm sóc người cao tuổi. Đối với những người trên 59 tuổi, Chính phủ tập trung vào việc giúp các cá nhân phát triển các kỹ năng mới và khuyến khích người sử dụng lao động thuê nhân viên lớn tuổi hơn./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả