Thái Lan tiến gần tới xã hội không dùng tiền mặt
Chi tiêu bằng tiền điện tử ở Thái Lan đã tăng lên trong vòng 5 năm qua, với giá trị 310 tỷ baht (gần 10 tỷ USD) vào năm 2020, so với 90,9 tỷ baht năm 2016.
Hành vi tài chính của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số và giãn cách xã hội thời đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc sử dụng tiền điện tử (e-money) ở Thái Lan.
Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), chi tiêu bằng tiền điện tử ở quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên trong vòng 5 năm qua, với giá trị 310 tỷ baht (gần 10 tỷ USD) vào năm 2020, so với 90,9 tỷ baht năm 2016.
Các công ty phi ngân hàng đóng góp tới 88,3% vào giá trị chi tiêu bằng tiền điện tử trong năm 2020, tương đương 276 tỷ baht.
Giá trị nạp tiền điện tử cũng tăng từ 91,5 tỷ baht vào năm 2016 lên 314 tỷ baht vào năm 2020, trong đó giao dịch từ các công ty phi ngân hàng chiếm 88%.
Thái Lan hiện có 30 nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử được BoT cấp phép, trong đó 23 công ty phi ngân hàng.
Chủ tịch Câu lạc bộ Thẻ tín dụng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan Atis Ruchirawat cho biết thanh toán điện tử thông qua tất cả các công cụ, đặc biệt là thanh toán kỹ thuật số, đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Atis nhận xét người tiêu dùng Thái Lan đã trở nên quen thuộc với hình thức thanh toán kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch và nhiều người trong số họ sẽ không quay lại với phương thức thanh toán truyền thống.
Trong quá trình chuyển đổi này, thanh toán đa kênh gồm cả trực tuyến lẫn trực tiếp là một giải pháp cho người Thái.
Visa, công ty hàng đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số, tháng trước công bố cuộc khảo sát về hành vi thanh toán của người tiêu dùng. Khảo sát cho thấy 4/5 người Thái (80%) đã thử không dùng tiền mặt.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều người lựa chọn thanh toán không tiếp xúc thay vì tiền mặt. Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất trong số những người lần đầu tiên sử dụng với 26%, tiếp theo là thẻ ngân hàng (23%) và mã QR (21%).
Theo nghiên cứu, ba lợi ích hàng đầu của một xã hội không dùng tiền mặt là hạn chế lây nhiễm bệnh (61%), không phải xếp hàng tại ngân hàng (60%) và tạo điều kiện theo dõi hồ sơ tài chính (59%).
Nghiên cứu cũng cho thấy đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ để Thái Lan trở thành một xã hội không dùng tiền mặt, với việc đổi mới thanh toán ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Visa ước tính Thái Lan có thể trở thành một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2026, sớm hơn so với dự báo trước đó là năm 2030./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận