menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Chính

Thái Lan phát tiền số cho dân, hiệu ứng nào lan đến Việt Nam?

Theo chuyên gia từ Đại học RMIT, Việt Nam sẽ có cơ hội đổi mới và ứng dụng công nghệ tiền kỹ thuật số mạnh mẽ hơn sau khi chứng kiến thành công của Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ khởi động chương trình phát tiền kỹ thuật số (CBDC) cho người dân vào quý I/2024. Quy mô của dự án là tương đối lớn với tổng ngân sách chi ra dự kiến là 560 tỷ bath (khoảng 378.000 tỷ đồng) tương đương khoảng 2,8% GDP của Thái Lan năm 2022.

Dự này có thể tạo ra hiệu ứng nhân rộng ảnh hưởng gấp 4 lần lên nền kinh tế. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng dự án này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2024 lên đến 5%, từ mức 2,8% dự kiến năm nay. Chính phủ Thái Lan cũng dự kiến tài trợ cho dự án này thông qua ngân sách nhà nước và các loại thuế khác mà không dựa vào các khoản vay mới.

Nhiều thách thức chờ đón

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, TS Vũ Thị Hồng Nhung, giảng viên kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, dự án được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang đối mặt với những thách thức lớn của tăng trưởng kinh tế như sự suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa từ đối tác thương mại chính là Trung Quốc, thu nhập từ khách du lịch nước ngoài cũng thấp hơn dự kiến.

Thái Lan phát tiền số cho dân, hiệu ứng nào lan đến Việt Nam?
TS Vũ Thị Hồng Nhung, giảng viên kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam

Bên cạnh đó, mức nợ hộ gia đình ở Thái Lan leo thang từ năm 2010 đến nay, với tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng từ 60% trên GDP năm 2010 lên 90,6% GDP của quý I/2023. Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc và Hồng Kông.

Song song đó, các khoản nợ công của nước này cũng có xu thế tăng. Cụ thể, nợ công ở Thái Lan chiếm 50% GDP năm 2020, tăng lên 56% GDP trong năm 2021, 57,6% GDP năm 2022 và dự kiến ở mức khoảng 61% GDP năm 2023. Dự án phát tiền kỹ thuật số là lời hứa trọng tâm trước bầu cử của Đảng Pheu Thai với mong muốn tạo ra “sóng thần kinh tế” thể hiện cách tiếp cận mới của Chính phủ đối với sự phục hồi kinh tế.

Điểm đặc biệt của đợt phát hành tiền lần này là giới hạn chi tiêu, điều mà nếu phát hành bằng tiền pháp định sẽ rất khó để làm. Theo TS Vũ Thị Hồng Nhung, các giới hạn chi tiêu được chỉ định đối với CBDC nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động kinh tế theo định hướng, cụ thể là hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và ngăn chặn việc tài trợ tiêu dùng các sản phẩm không tốt cho sức khỏe như thuốc lá và rượu. Đây là một lợi thế đáng chú ý so với các phương pháp kích thích tiền tệ truyền thống, vì nó cho phép kích thích kinh tế có kiểm soát và định hướng nhiều hơn.

Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng CBDC đối với các doanh nghiệp địa phương trong bán kính 4km có thể giúp kích thích nền kinh tế địa phương một cách cụ thể, đảm bảo rằng tiền sẽ lưu thông trong cộng đồng địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Điều này đặc biệt có lợi trong việc đảm bảo rằng kích thích kinh tế tác động trực tiếp đến cộng đồng và nhóm nhân khẩu học mà dự án dự định hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thời hạn hiệu lực của dự án là 6 tháng giúp khuyến khích chi tiêu và đảm bảo rằng kích thích có tác động kịp thời đến nền kinh tế, thay vì tích trữ hoặc tiết kiệm. Tuy nhiên, TS Vũ Thị Hồng Nhung cho rằng giai đoạn này cần tăng cường tuyên truyền và quản lý đầy đủ để đảm bảo rằng người dân có thể sử dụng CBDC một cách hiệu quả trong khung thời gian quy định.

Bên cạnh những thuận lợi và lợi ích kể trên của CBDC, theo đại diện đến từ RMIT Việt Nam, dự án cũng có thể phải đối mặt với những hệ quả ngoài ý muốn có thể xảy ra.

Thứ nhất, hiệu quả của việc sử dụng CBDC trong dự án này phụ thuộc đáng kể vào việc áp dụng công nghệ và khả năng tiếp cận của người dân. Những cửa hàng và người dân ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh hoặc khu vực có ít dịch vụ công nghệ có thể gặp khó khăn khi truy cập và sử dụng CBDC. Thứ hai, một số bộ phận người dân có thể ít hiểu biết về công nghệ có thể gặp nhiều hạn chế sử dụng CBDC một cách hiệu quả.

Thứ ba, việc hạn chế việc sử dụng CBDC trong bán kính 4km có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp ở các khu vực đông dân cư hơn so với các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn hoặc ít dân cư hơn. Điều này có khả năng dẫn đến sự chênh lệch giữa các vùng về tác động kinh tế của gói hỗ trợ này.

Thứ tư, có khả năng thị trường giao dịch không chính thức (chợ đen) có thể được hình thành, trong đó, CBDC có thể được đổi lấy tiền tệ pháp định (fiat) nhằm lách các biện pháp kiểm soát dự kiến của dự án.

Cuối cùng, dự án này có khả năng tạo ra áp lực lên các doanh nghiệp địa phương. Nhu cầu tăng vọt do CBDC có thể gây áp lực trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong thời gian quy định cho các doanh nghiệp địa phương, điều này có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hàng hoặc lạm phát tại nơi đó.

Có ý kiến cho rằng, việc phát hành CBDC như vậy sẽ thúc đẩy vòng quay tiền nhanh hơn nhiều việc phát hành bằng tiền pháp định như thông thường, bởi nhiều khâu trung gian bị loại bỏ. Bình luận về ý kiến này, TS Vũ Thị Hồng Nhung lý giải việc phát hành CBDC có thể giúp thúc đẩy vòng quay tiền tệ so với việc phát hành bằng tiền pháp định thông thường do tiền được chuyển trực tiếp vào ví điện tử của người dân, bỏ qua nhiều giai đoạn trung gian giúp tăng cường giao dịch tiền tệ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

CBDC cũng giúp những người dân không có tài khoản ngân hàng tham gia vào dự án vì họ chỉ cần truy cập được vào internet và có ví điện tử. Như vậy, dự án này không cần dựa vào cơ sở hạ tầng của ngân hàng truyền thống.

Thế nhưng, theo nữ chuyên gia, việc phát hành CBDC cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho hệ thống tài chính và lưu thông tiền tệ. Các tổ chức tài chính truyền thống hiện tại đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro, phân phối tín dụng và duy trì ổn định tài chính.

Tuy nhiên các vấn đề này có thể gặp nhiều thách thức khi CBDC được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, mặc dù CBDC có thể cung cấp giao dịch an toàn và minh bạch nhưng các vấn đề bảo mật riêng tư, giám sát và an ninh dữ liệu cũng đặt ra nhiều thách thức nếu không được quản chặt chẽ.

Hiệu ứng lan đến Việt Nam nếu Thái Lan thành công

Đánh giá về khả năng thành công của đợt phát hành CBDC Thái Lan, TS Phan Thanh Chung, giảng viên kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam, nêu 3 điểm cộng của đợt phát hành này.

Thái Lan phát tiền số cho dân, hiệu ứng nào lan đến Việt Nam?
TS Phan Thanh Chung, giảng viên kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam

“Thứ nhất, Chính phủ cam kết ngân sách lớn cho dự án, khoảng 500 tỷ baht (15 tỷ USD), thể hiện quyết tâm cao. Thứ hai, tôi cho rằng việc phân phối tiền số trực tiếp vào ví điện tử của người dân có thể cung cấp sự hỗ trợ kinh tế nhanh chóng, đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp địa phương khi người dân buộc phải tiêu tiền trong bán kính 4km tính từ nơi cư trú.

Thứ ba, việc phát triển cơ sở hạ tầng để phân phối tiền tệ kỹ thuật số cũng có thể thúc đẩy tham vọng của Thái Lan trở thành nước dẫn đầu về tài chính kỹ thuật số và công nghệ blockchain. Và nếu thực hiện thành công, việc phát hành tiền có thể được người dân đón nhận”, TS. Phan Thanh Chung nói với Đầu tư Tài chính.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, dự án cũng tiềm ẩn một số thách thức có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công. Thứ nhất, chương trình đòi hỏi phải thông qua các đạo luật và phê duyệt ngân sách. Điều này có thể làm chậm lịch trình dự kiến. Ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính vẫn cần xây dựng và kiểm tra kỹ lưỡng các hệ thống và token kỹ thuật số sẽ giải ngân và theo dõi quỹ.

Thứ hai, cần cảnh báo về việc tiền tệ kỹ thuật số do nhà nước kiểm soát có thể cho phép nhà nước giám sát các khoản chi tiêu. Việc theo dõi vị trí địa lý chi tiêu cũng gây ra chỉ trích là sự can thiệp quá mức. Ở các vùng nông thôn có rất ít cửa hàng địa phương, giới hạn bán kính 4km có thể khiến nhiều công dân nghèo khó sử dụng được số tiền này. Thứ ba, việc bơm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế có thể kích thích lạm phát.

Nếu Thái Lan thành công với kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số, TS Phan Thanh Chung cho rằng điều này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Đầu tiên, thành công của Thái Lan có thể khuyến khích các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Indonesia và Philippines áp dụng các sáng kiến tiền kỹ thuật số tương tự. Chính sách phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cho người dân có thể trở thành xu hướng phổ biến trong khu vực.

Thứ hai, sau Thái Lan, các ngân hàng trung ương khác sẽ tích cực nghiên cứu và thực hiện các dự án tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành, thay vì chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Quá trình chuyển đổi sang tiền kỹ thuật số có thể được đẩy nhanh, mang lại khả năng giám sát và quản lý nền kinh tế tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách.

Thứ ba, các công ty fintech và startup blockchain cũng sẽ nhận được nhiều đầu tư hơn để phát triển công nghệ và các ứng dụng tiền kỹ thuật số khi thấy các dự án có tiềm năng thương mại hóa cao hơn. Người dân và xã hội các nước cũng sẽ cởi mở hơn với tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành.

“Đối với Việt Nam, thành công của Thái Lan sẽ tạo động lực để Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. Các ngân hàng và doanh nghiệp fintech, blockchain Việt Nam cũng sẽ chủ động hơn trong phát triển các sản phẩm dịch vụ tiền điện tử. Nhìn chung, Việt Nam sẽ có cơ hội đổi mới và ứng dụng công nghệ tiền kỹ thuật số mạnh mẽ hơn sau khi chứng kiến thành công của Thái Lan”, TS Phan Thanh Chung nhận định.

Theo vị chuyên gia này, nếu tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành trở nên phổ biến, điều này có thể tác động đến các chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là khả năng kiểm soát lãi suất và tỷ giá của các ngân hàng trung ương.

Về lãi suất, việc người dân và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng nhiều tiền kỹ thuật số có thể làm giảm hiệu quả của các công cụ điều tiết lãi suất như tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất dự trữ bắt buộc... Do đó, ngân hàng trung ương sẽ phải tìm cách thiết lập lãi suất cho CBDC để thay thế công cụ truyền thống.

Về tỷ giá, khi CBDC trở nên phổ biến, nó có thể làm giảm vai trò của đồng tiền dự trữ quốc tế như USD, vàng. Điều này ảnh hưởng tới khả năng can thiệp thị trường ngoại hối của ngân hàng trung ương để ổn định tỷ giá. Các ngân hàng trung ương buộc phải tìm cách mới để điều tiết tỷ giá.

Việc phát hành CBDC cũng khiến ngân hàng trung ương mất đi một phần khả năng kiểm soát nguồn cung tiền thông qua các công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này ảnh hưởng tới lạm phát và các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

“Tuy nhiên, CBDC cũng mang lại khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu tốt hơn. Ngân hàng trung ương có thể sử dụng dữ liệu để điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp, bù đắp phần nào các tác động trên. Nhìn chung, sự phổ biến của CBDC sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các công cụ và chính sách tiền tệ truyền thống. Các ngân hàng trung ương sẽ phải thích ứng bằng cách sử dụng công nghệ và dữ liệu từ CBDC để điều hành, cũng như cân nhắc điều chỉnh chính sách tiền tệ khi cần thiết”, TS Phan Thanh Chung cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
14 Yêu thích
1 Bình luận 40 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại