Thái Lan: Kinh tế "nóng, lạnh" theo chính trị
Thái Lan hôm 13-7 vẫn chưa có thủ tướng mới sau khi ứng viên duy nhất là ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), không giành đủ số phiếu cần thiết.
Tờ Bangkok Post cho biết kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan cho thấy ông Pita chỉ nhận 324 phiếu ủng hộ, tức ít hơn con số cần thiết để trở thành thủ tướng.
Theo hiến pháp Thái Lan, một ứng viên phải nhận được ít nhất 376 phiếu từ 500 thành viên Hạ viện và 250 thượng nghị sĩ để trở thành thủ tướng. Trong trường hợp ông Pita chiều 13-7, số phiếu cần thiết là 375 do 1 thượng nghị sĩ đã từ chức trước đó 1 ngày.
Tổng cộng có 705 thành viên quốc hội tham gia bỏ phiếu hôm 13-7, trong đó 182 người bỏ phiếu chống và 199 người bỏ phiếu trắng. Cụ thể hơn, tại Hạ viện, ông Pita nhận 311 phiếu ủng hộ, 148 phiếu chống và 39 phiếu trắng. Còn tại Thượng viện, chỉ có 13 thành viên bỏ phiếu chọn ông Pita, bên cạnh 34 phiếu chống và 159 phiếu trắng.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết vòng 2 và vòng 3 của cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong ngày 19 và 20-7. Hiện chưa rõ ông Pita có được đề cử làm ứng viên cho lần bỏ phiếu tiếp theo hay không.
Vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra theo sau cuộc tranh luận kéo dài 6 giờ, chủ yếu tập trung vào ý định thay đổi Luật Khi quân của MFP và cáo buộc ông Pita nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông.
Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) hôm 12-7 yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra quyết định liệu ông Pita có vi phạm các quy tắc bầu cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông trong lúc ra tranh cử hay không.
Hiện chưa rõ tòa án có chấp nhận xử lý vụ việc này hay chưa và nếu có thì khi nào đưa ra phán quyết. Nếu tòa án cho rằng đã có vi phạm, ông Pita có thể bị hủy tư cách nghị sĩ.
Việc chính phủ mới của Thái Lan chậm trễ thành lập khiến khu vực tư nhân ngày càng lo lắng, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư mới và ngành du lịch.
Ông Poj Aramwattananont, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cảnh báo niềm tin của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch tham gia thị trường Thái Lan có nguy cơ lung lay vì không rõ chính sách của chính phủ mới như thế nào.
Trao đổi với báo Bangkok Post, ông Poj hy vọng các cuộc biểu tình chính trị, nếu có, sẽ diễn ra trong hòa bình không đe dọa đến môi trường kinh doanh. Trái lại, chính phủ sẽ có trách nhiệm bảo đảm luật pháp và trật tự để ngăn chặn những trở ngại đối với ngành du lịch.
Về vấn đề này, ông Sanga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San, e ngại nếu căng thẳng chính trị leo thang, hình ảnh Thái Lan sẽ tiêu cực hơn trong mắt du khách.
Trong khi đó, ông Somchai Lertsutiwong, giám đốc điều hành của Advanced Info Service, nhà cung cấp mạng điện thoại di động GSM lớn nhất Thái Lan, cũng cho rằng chính phủ mới được thành lập càng sớm thì càng xác định động lực kinh tế rõ ràng hơn.
Theo ông Somchai, chính phủ mới nên ưu tiên cải thiện năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách giảm chi phí hoạt động, từ đó mở đường cho tăng trưởng dài hạn.
Một lo ngại khác được ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), nêu ra đó là nếu cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới kéo dài, kế hoạch ngân sách cho năm tài chính mới sẽ chịu tác động mạnh, ảnh hưởng tới cả niềm tin của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Thái Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận