menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Vũ

Thái Lan cần “đại tu” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19

Thái Lan đang rất cần một cuộc đại tu lớn trong giai đoạn hậu COVID-19 với trọng tâm là thu hẹp chênh lệch kinh tế cũng như tăng cường đầu tư vào công nghệ tiên tiến và bảo tồn môi trường.

Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Danucha Pichayanan nhận định Thái Lan đang rất cần một cuộc đại tu lớn trong giai đoạn hậu COVID-19 với trọng tâm là thu hẹp chênh lệch kinh tế cũng như đầu tư vào công nghệ tiên tiến và bảo tồn môi trường.

Người đứng đầu cơ quan lên kế hoạch của Thái Lan trên cho rằng các xu hướng toàn cầu dự kiến sẽ dẫn đến sự phát triển kỹ thuật số và công nghệ mang tính đột phá, biến đổi khí hậu, thay đổi cách sống và một xã hội già hóa.

Tờ Bangkok Post ngày 28/5 dẫn lời ông Danucha nói rằng Thái Lan từ lâu đã gặp phải các vấn đề về cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo vẫn dựa trên sản xuất thông thường hoặc công nghệ thông thường. Nếu không có bất kỳ sự tái cơ cấu nào, Thái Lan sẽ tụt hậu so với các nước láng giềng vì nhiều nước đã bắt đầu tái cơ cấu.

Theo ông Danucha, Thái Lan cần đẩy mạnh việc tạo cơ hội cho người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các doanh nghiệp siêu nhỏ và các doanh nghiệp cộng đồng tiếp cận công nghệ đồng thời đưa ra các chính sách quản lý môi trường và chống biến đổi khí hậu tốt hơn cũng như hỗ trợ nhiều hơn trong lĩnh vực kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh, qua đó giúp tăng khả năng cạnh tranh của Thái Lan về lâu dài.

Ông Danucha cho rằng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp cộng đồng cần được củng cố và thúc đẩy để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp cộng đồng một khi được thành lập sẽ là công cụ để giải quyết sự chênh lệch xã hội và thu nhập.

Thái Lan cũng rất cần tăng tốc phát triển nguồn nhân lực trong khi các dịch vụ của chính phủ cũng cần được cải thiện để theo kịp nhu cầu và xu hướng của khu vực tư nhân.

Người đứng đầu NESDC nhận xét trong ngắn hạn, nền kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi vì sẽ được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho các biện pháp bổ sung để duy trì việc làm và thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhằm giúp phục hồi nền kinh tế. Các biện pháp mới sẽ được tài trợ nhờ khoản vay 500 tỷ baht (16 tỷ USD) mới được công bố trên Công báo Hoàng gia.

Tuy nhiên, ông Danucha thừa nhận Thái Lan vẫn đang sa lầy vào các vấn đề trong nước do đại dịch COVID-19, bao gồm tỷ lệ nợ hộ gia đình cao, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn và thanh khoản eo hẹp giữa các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp cộng đồng.

Trước đó, ông Danucha đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan có thể sẽ tăng cao trong năm nay do tác động nghiêm trọng của làn sóng COVID-19 thứ ba. Người lao động trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể bị mất việc nhiều nhất hoặc phải chấp nhận giảm giờ làm do các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch kể từ năm ngoái.

Trong khi đó, cũng có lo ngại rằng khoảng cách về đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan giữa các tỉnh phụ thuộc vào du lịch và các tỉnh phụ thuộc vào nông nghiệp sẽ ngày càng rộng hơn trong thời kỳ hậu đại dịch.

Chuyên gia cao cấp về chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Pongnakorn Pochakorn cho biết ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đã có sự chênh lệch rất lớn về đóng góp vào GDP giữa hai nhóm tỉnh nói trên.

Có 15 tỉnh chiếm 70% GDP của cả nước là Bangkok và 5 tỉnh xung quanh (Samut Prakarn, Samut Sakhon, Nakhon Pathom, Nonthaburi và Pathum Thani) cùng với Chonburi, Rayong, Chachoengsao, Phuket, Songkhla, Surat Thani, Chiang Mai, Nakhon Ratchasima và Khon Khaen, trong khi 62 tỉnh còn lại chỉ tạo ra 30% GDP của cả nước.

Động lực tăng trưởng chính của 15 tỉnh nói trên là các lĩnh vực du lịch và sản xuất. Lĩnh vực du lịch tại 15 tỉnh này chiếm 88% tổng doanh thu du lịch của cả nước, lĩnh vực sản xuất chiếm 72% tổng doanh thu sản xuất của cả nước, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 22% tổng doanh thu nông nghiệp của cả nước và thương mại chiếm 77% tổng doanh thu thương mại của cả nước.

Tại 62 tỉnh còn lại, lĩnh vực du lịch chiếm 12% tổng doanh thu du lịch của cả nước, lĩnh vực sản xuất chiếm 28% tổng doanh thu sản xuất của cả nước, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 78% tổng doanh thu nông nghiệp của cả nước và thương mại chiếm 23% doanh thu thương mại của đất nước.

Ông Pongnakorn tin rằng một khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và Thái Lan mở cửa trở lại, kinh tế của 15 tỉnh phụ thuộc vào du lịch sẽ khởi sắc nhanh hơn 62 tỉnh còn lại, mặc dù các tỉnh phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Khoảng cách đóng góp GDP giữa các nhóm này sẽ không lớn nếu 62 tỉnh còn lại có thể thúc đẩy năng suất bằng cách tận dụng các biện pháp cứu trợ COVID-19 do chính phủ đưa ra./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại