Thách thức tăng vốn sẽ thúc đẩy làn sóng thâu tóm - sáp nhập giữa các ngân hàng?
Theo Fitch Ratings, nhiều ngân hàng đang vật lộn để đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn Basel II. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này nhận định những ngân hàng nhỏ hơn sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm - sáp nhập, thậm chí cơ quan quản lý có thể khuyến khích các ngân hàng "dày vốn" đảm nhận nhiệm vụ thâu tóm - sáp nhập.
Theo nhận định mới đây của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép một số ngân hàng triển khai Basel II, tuy nhiên, động thái này đã làm lộ rõ vấn đề "vốn mỏng" khi nhiều ngân hàng không có khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn trước hạn chót là ngày 1/1/2020.
Fitch Ratings cho hay, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng cùng các lựa chọn hạn chế khi tăng vốn nhờ nguồn lực bên ngoài có thể sẽ tiếp tục kìm hãm những cải thiện về vốn, khiến ngành này dễ bị tổn thương trước những cú sốc.
Cơ quan này kỳ vọng sẽ có sự linh hoạt về thời hạn thực hiện Basel II đối với các ngân hàng đang vật lộn để đáp ứng các yêu cầu. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ được áp dụng theo Basel II, thấp hơn quy định 9% hiện tại, nhưng các hệ số rủi ro thì khắt khe hơn nhiều. .
Đến giữa tháng 12, mới chỉ có 16 trong số 38 ngân hàng tại Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
Theo Fitch Ratings, việc áp dụng Basel II vẫn có thể khuyến khích các nỗ lực huy động vốn theo hướng tích cực hơn, điều này có thể làm giảm rủi ro đối với sự ổn định tài chính và hỗ trợ cải thiện hồ sơ tín dụng của các ngân hàng.
Tuy nhiên, tác động lên xếp hạng sẽ xoay quanh mức độ và tính bền vững của việc cải thiện vốn, cũng như bất kỳ sự thay đổi nào trong hồ sơ rủi ro.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này nhấn mạnh các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tăng vốn từ nguồn lực bên ngoài.
"Các ngân hàng ở Việt Nam có giới hạn sở hữu nước ngoài 30%, điều này hạn chế nỗ lực tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và khiến họ phụ thuộc vào phát hành vốn ở thị trường nội địa", Fitch Ratings cho hay.
VietinBank là một trong những ngân hàng đã chạm trần sở hữu nước ngoài. Fitch Ratings không hy vọng các ngân hàng nhỏ hơn sẽ thu hút được nguồn vốn nước ngoài, do lịch sử hoạt động ngắn và ít lợi thế cạnh tranh.
Fitch Ratings kỳ vọng trong vài năm tới, những ngân hàng nhỏ hơn sẽ đấu tranh để đáp ứng các yêu cầu của Basel II và trở thành mục tiêu thâu tóm - sáp nhập. Can thiệp pháp lý có thể xuất hiện để khuyến khích các ngân hàng "dày vốn" đảm nhận nhiệm vụ thâu tóm - sáp nhập.
Lợi nhuận tăng trưởng cao đã giúp một số ngân hàng gia tăng tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, theo Fitch Ratings, vốn được tạo ra từ nguồn nội bộ có xu hướng cạn kiệt do tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và nhiều ngân hàng đã sử dụng hết dư địa vốn cấp 2.
Thêm vào đó, tăng trưởng cho vay tiêu dùng nhanh chóng, vốn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của một số ngân hàng, có thể trở thành một phân khúc tiềm ẩn rủi ro nếu môi trường kinh tế xấu đi.
Tuy nhiên, quan điểm cơ bản của Fitch Ratings là tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ vẫn cao, điều này khiến cho những căng thẳng trong ngắn hạn khó xảy ra và củng cố triển vọng ổn định của cho ngành ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận