Thách thức lớn nhất của châu Á là gì?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, những thách thức kinh tế lớn nhất của châu Á sẽ là nợ và sự tháo chạy của dòng vốn khi lãi suất tiếp tục tăng.
Các cảnh báo được đưa ra khi IMF cắt giảm các dự đoán tăng trưởng toàn cầu trong triển vọng kinh tế mới nhất trong tuần này và cảnh báo rằng năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với nhiều nơi trên thế giới.
“Nợ đã tăng lên ở khu vực châu Á”, Phó giám đốc IMF Anne-Marie Gulde cho biết.
“Đầu tiên, nợ khu vực tư nhân đã tăng lên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng sau đó kể từ Covid, nợ khu vực công đã tăng lên. Vì vậy, bất cứ điều gì làm thay đổi lãi suất toàn cầu đều cung cấp thêm những sóng gió cho các nền kinh tế châu Á”, bà cho biết.
“Chúng tôi đã thấy dòng vốn tháo chạy khỏi khu vực tăng lên và đạt mức mà chúng tôi từng thấy lần cuối vào thời điểm taper tantrum và chắc chắn bất cứ điều gì làm tăng lãi suất đi qua kênh này sẽ có tác động đến chi phí đi vay ở châu Á”, bà cho biết.
Hiện tượng taper tantrum năm 2013 xảy ra khi các nhà đầu tư phản ứng với kế hoạch đột ngột chuyển sang thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bằng cách nhanh chóng bán bớt trái phiếu và khiến giá lao dốc.
IMF cảnh báo rằng, tình trạng có nguy cơ vỡ nợ đang phổ biến ở nhiều quốc gia ở châu Á và những nước có đồng tiền giảm giá so với đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể phải chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sâu hơn. Ví dụ, đồng đô la Mỹ đang dao động gần mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên.
IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,7% vào năm 2023, thấp hơn 0,2% so với dự báo vào tháng 7.
Tại châu Á, IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4,4%, giảm 0,2% so với dự báo của tháng 7. IMF cũng cắt giảm mức tăng trưởng của nhóm ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam xuống còn 4,9%.
Tác động từ cuộc khủng hoảng ở Anh
Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng trái phiếu của Anh có gây ra ảnh hưởng lan rộng đến các nền kinh tế châu Á hay không, Phó giám đốc IMF Anne-Marie Gulde cho biết cuộc khủng hoảng trái phiếu của Anh sẽ có tác động hạn chế đến các thị trường châu Á, mặc dù “bất cứ điều gì tạo ra bất ổn thị trường tài chính sẽ tìm ra cách” để ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác.
“Quỹ hưu trí đầu tư vào châu Á ít hơn so với trước đây, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là bất cứ thứ gì tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính đều sẽ tìm ra cách và một kênh truyền tải. Chắc chắn là chúng tôi không biết tất cả các kênh, nhưng đó chắc chắn không phải là tin tốt cho các quốc gia của chúng tôi ở châu Á cũng như trên toàn cầu”, bà cho biết.
Janet Li, Giám đốc quản lý quỹ Mercer’s Asia Wealth Business Leader cũng có quan điểm tương tự. Bà cho biết, mức độ tiếp xúc của người châu Á đối với các khoản đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lý (LDI - Liability driven investment - đề cập đến việc người đầu tư có đủ tài sản để trang trải tất cả các khoản nợ hiện tại và tương lai hay không) ít hơn so với Anh, chủ yếu là do lương hưu dài hạn ở châu Á ít phổ biến hơn so với kế hoạch rút tiền một lần.
Các khoản đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lý (LDI) vốn được nắm giữ phần lớn bởi các quỹ hưu trí vì phù hợp với tài sản và nợ phải trả để đảm bảo rằng tiền cho những người hưu trí được thanh toán hết.
Cuộc khủng hoảng ở Anh bắt nguồn từ việc lợi suất tăng và giá trái phiếu giảm, điều này khiến các quỹ hưu trí phải bổ sung tài sản ký quỹ cho các sản phẩm phái sinh liên quan đến LDI.
Trong một nỗ lực để tăng thêm tiền mặt làm tài sản thế chấp bù đắp giá trị sụt giảm của LDI, các quỹ hưu trí đã bán những trái phiếu chính phủ Anh để huy động tiền mặt.
Vụ việc bán tháo đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp bằng việc mua trái phiếu chính phủ Anh để điều tiết ổn định thị trường trái phiếu.
“Do đó, nếu chúng ta cố gắng so sánh và xem xét liệu quỹ châu Á hiện đang gặp nhiều rủi ro hơn hay không, câu trả lời ngắn gọn là không”, bà Janet Li cho biết.
Tuy nhiên, có một số mặt tích cực đối với châu Á.
Khi nhiều nền kinh tế châu Á như Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc) mở cửa, sự di chuyển của con người tăng lên sẽ tạo ra hoạt động kinh tế và có thể đình trệ sự suy thoái. Mặt khác, đồng tiền trong khu vực giảm giá có thể đồng nghĩa với việc xuất khẩu cao hơn đối với các nền kinh tế châu Á.
IMF chỉ ra rằng nền kinh tế của Trung Quốc suy yếu hơn cũng có tác động làm giảm lạm phát lõi trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận