24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thách thức đối với Thái Lan khi Trung Quốc chuyển trọng tâm tăng trưởng kinh tế

Theo tờ The Nation, các nhà xuất khẩu Thái Lan sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất khi Trung Quốc chuyển sự tập trung sang nền kinh tế trong nước do cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tổ hợp truyền thông Nationmultimedia mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Lyu Jian xác nhận Trung Quốc, mặc dù tiếp tục ủng hộ thương mại đa phương theo Tổ chức Thương mại Thế giới, sẽ đồng thời nhấn mạnh hơn vào kinh tế nội địa.

Tuy nhiên, Đại sứ Lyu Jian nói ông nhìn thấy một quan hệ kinh tế tốt đẹp với Thái Lan và ASEAN bằng cách kết nối sáng kiến "Vành đai và Con đường" với chiến lược Thái Lan 4.0 và các dự án thuộc Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan.

Trong khi đó, Chủ tịch Viện Quản lý Panyapiwat, ông Sompop Manarungsan, nhận xét sự tập trung của Trung Quốc vào kinh tế trong nước, cùng với kinh tế tăng trưởng chậm lại và cuộc tranh chấp thương mại hiện nay, sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan.

Đồng thời, ông cũng khuyến nghị rằng Thái Lan cũng nên tập trung vào kinh tế trong nước và chấm dứt việc dựa quá nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm tới khoảng 60% GDP của Thái Lan, một tỷ trọng được cho là quá cao và tỷ trọng này nên được giảm xuống khoảng 30%.
Một yếu tố nữa tác động đến hàng xuất khẩu của Thái Lan là chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Ông Sompop cho rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại mức dưới 5% trong thập kỷ tới so với 6% hiện nay. Dư báo nền kinh tế này sẽ tăng trưởng ở dưới mức 2% vào những năm 2030.

Một nghiên cứu về cải cách kinh tế do Quốc vụ viện Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy Trung Quốc cần áp dụng những thay đổi trong 3 lĩnh vực chính, đó là thị trường lao động, thị trường tài chính và các doanh nghiệp nhà nước. Các thị trường tài chính và lao động của Trung Quốc không hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ đo lường năng suất (TFP) tổng thể thấp, chỉ bằng một nửa của các nước phát triển.

Hơn nữa, phương Tây cũng nghi ngờ về một số công ty của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Chính phủ Trung Quốc can thiệp vào sự quản lý của tập đoàn công nghệ Huawei, nhưng các giám đốc của Huawei khẳng định đây là một công ty tư nhân và đảm bảo rằng không có sự can thiệp từ các nhà chức trách Trung Quốc.

Ông Sompop nhận xét thêm rằng ngoài việc đối mặt với những thách thức từ cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Sompop, việc cấm các sản phẩm của Huawei ở Mỹ là một ví dụ cho thấy các nước phát triển không tin tưởng một số doanh nghiệp ở Trung Quốc. Hệ thống kinh doanh của Trung Quốc do các công ty nhà nước thống trị và sẽ gặp khó khăn khi hội nhập với các thị trường toàn cầu, vốn được thúc đẩy bởi các công ty tư nhân.

Ông nói rằng nếu Trung Quốc không thể thành công trong việc hội nhập nền kinh tế của nước này với thế giới, Trung Quốc có thể bị cô lập trên 3 mặt trận: thương mại, tài chính và công nghệ số. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp bảo hộ đối phó với nhau.

Theo ông Chao Kengchon, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Kasikorn, mặc dù Trung Quốc có dư địa tài chính để thúc đẩy kinh tế trong nước, song Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là thực hiện phát triển kinh tế bền vững. Tương tự như Thái Lan, Trung Quốc đang bước vào một xã hội lão hóa, do tỷ lệ sinh thấp, điều sẽ dẫn tới việc thu nhỏ các thị trường và làm tăng chi phí phúc lợi.

Trong khi đó, bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại Thái Lan, lạc quan rằng mặc dù hàng hóa chế tạo đã bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại, song nhập khẩu trái cây tươi của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây. Ví dụ, sầu riêng, măng cụt và nhãn vẫn sẽ được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Theo bà Pimchanok, điều lo ngại là chất lượng của trái cây tươi và khâu kho vận. Nông dân và các nhà xuất khẩu Thái Lan có thể xuất khẩu sản phẩm chất lượng thấp để đáp ứng nhu cầu cao từ Trung Quốc, do đó nhà chức trách phải đảm bảo duy trì chất lượng của các sản phẩm. Ngoài ra, Thái Lan cần cải thiện khâu kho vận, vì hàng hóa tới Trung Quốc vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ qua Việt Nam.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 giảm 6,92% so với cùng kỳ năm trước, xuống 18,9 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan xuất sang Mỹ tăng 14,89%, lên 21,1 tỷ USD và sang Nhật Bản trong cùng thời gian này đứng ở mức 16,5 tỷ USD, giảm 0,77%./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả