menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Gia Khánh

Thách thức đối với hệ thống tài chính của Nga nếu xảy ra chiến tranh với Ukraine

Theo Tạp chí Kinh doanh hiện đại của Nhật Bản, tình hình khu vực biên giới Nga-Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng bất chấp các nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan. Mặc dù khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn là rất thấp do những tính toán chính trị của mỗi nước nhưng đặt trường hợp nếu điều này xảy ra thì thách thức đối với kinh tế Nga là rất lớn.

Chi phí cho chiến tranh không phải là vấn đề đối với Nga?

Theo giới phân tích, nếu Nga tấn công Ukraine, nước này có thể huy động lực lượng tối đa lên tới 180.000 quân. Tất nhiên, việc điều động số lượng binh lính như vậy đến Ukraine sẽ “ngốn” một lượng chi phí rất lớn, song với việc tăng cường hàm lượng công nghệ quân sự trong những năm gần đây, chi phí thực tế cho hoạt động này sẽ được giảm đáng kể đối với Nga.

Nhìn vào hoạt động tham chiến của Mỹ đối với hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq, có thể thấy chi phí cho mỗi đơn vị lực lượng tham gia Chiến tranh Iraq chưa bằng 1/3 so với chi phí tương tự tại Chiến tranh vùng Vịnh.

Cần thấy rằng, quân đội Nga chưa thể hiện đại bằng quân đội Mỹ song nếu chiến dịch quân sự diễn ra trong khoảng hai tháng thì chi phí thực tế mà Nga phải đổ vào cuộc tấn công ở Ukraine (dự kiến) vào khoảng 26 triệu USD.

Trong khi đó, thu ngân sách của Chính phủ Nga năm 2021 là 585,8 tỷ USD, tăng đáng kể nhờ giá dầu thô tăng và việc nước này thường xuyên phải thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng do các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Nga vào khoảng 18%, thấp hơn nhiều so với con số 257% của Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời thặng dư thương mại của Nga được dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ giá dầu tăng. Chính phủ Nga cũng có tổng dự trữ ngoại hối là 54,5 tỷ USD, trong đó 15% được đầu tư vào vàng. Đây là một cơ sở an toàn trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

Tuy nhiên, nếu Ukraine bị tấn công, Mỹ sẽ đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm biện pháp đánh vào hệ thống tài chính, vốn khá mong manh của nước này.

Nga quan tâm nhất là sức chịu đựng của hệ thống tài chính

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tạo ra một hệ thống tài chính với đồng USD đóng vai trò chủ chốt, đây thực sự là một bức tường vững chắc cho phép nước này thực hiện hiệu quả các biện pháp trừng phạt nhằm vào hệ thống tài chính của một quốc gia nào đó.

Mỹ từng cấm các tổ chức tài chính ở quốc gia này làm ăn với Banco Delta Asia (Macau) vì nghi ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền của Triều Tiên. Lý do Mỹ có thể can thiệp vào các giao dịch quốc tế là nhờ hệ thống thanh toán có sự chi phối của nước này. Cũng chính vì lý do này mà những năm gần đây, Nga đã cố gắng tách khỏi việc thanh toán quốc tế bằng đồng USD.

Trước đây, dự trữ ngoại hối của Nga có đến một nửa là đồng USD, nhưng đến năm 2020 đã giảm xuống còn 20% (còn lại là đồng euro và đồng nhân dân tệ). Đối tác thương mại lớn nhất của Nga là Trung Quốc, tiếp theo là Đức và Hà Lan. Trước đây, chủ yếu các giao dịch với châu Âu của Nga được thực hiện thông qua đồng USD nhưng gần đây, đồng euro đã được sử dụng cho các giao dịch với Đức và Hà Lan.

Một vấn đề đặt ra là nếu chỉ Mỹ trừng phạt Nga thì hệ thống tài chính của Nga vẫn có thể chống chịu được, nhưng trong trường hợp Mỹ tác động được các đồng minh và đối tác châu Âu trừng phạt Nga thì đó sẽ là “điểm yếu chết người” của Nga, có thể khiến hệ thống tài chính của nước này bị tê liệt. Khi đó, Nga vẫn còn lựa chọn là sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng nhân dân tệ.

Hệ thống thanh toán nhân dân tệ xuyên biên giới (CIPS) là hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2015, nhằm cạnh tranh với hệ thống thành toán quốc tế bằng đồng USD.

Mặc dù tỷ trọng trên thế giới còn thấp nhưng rất nhiều ngân hàng của Nga và Nhật Bản và các ngân hàng khác của khu vực đã tham gia vào CIPS. Tất nhiên, không thể bao phủ toàn bộ các thỏa thuận thương mại bằng cơ chế thanh toán này nhưng dù sao đây vẫn là “con át chủ bài” của Nga để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại