menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Thách thức cuộc đua FDI của Việt Nam với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia

Việt Nam vẫn đang thu hút FDI mạnh mẽ, nhưng cũng đối diện với sức ép cạnh tranh từ nhiều nước khác.

Theo các chuyên gia, các thông số cho thấy sức hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia là hết sức mạnh mẽ. Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn và cạnh tranh, Việt Nam cần cải cách chính sách thuế, thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điểm sáng

Vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Pandora, một thương hiệu trang sức nổi tiếng của Đan Mạch đã khởi công xây dựng nhà máy tại Bình Dương. Nhà máy này có trị giá hơn 150 triệu USD, giúp tạo ra việc làm cho hơn 7.000 lao động thợ bạc và sản xuất 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm.

Pandora cũng cam kết sẽ đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam khi được vận hành theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững cao nhất xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất của tập đoàn.

Cũng tại Bình Dương, một nhà máy lớn với giá trị hơn 1 tỉ USD thuộc Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đang được xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay.

Hai tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch cùng xây dựng nhà máy tại Bình Dương cho thấy họ sẽ ở lại lâu dài cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Theo quan sát của chúng tôi, nửa đầu năm 2024, dự án đăng ký mới tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh, đã cho thấy vị thế Việt Nam thu hút FDI trên toàn cầu vẫn rất vững chắc” - ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital nhận định.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng đã minh hoạ khá nhiều cho nhận định của ông Michael Kokalari. Đó là trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký của Việt Nam đã đạt mức 15,19 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, vốn FDI giải ngân đạt gần 11 tỉ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua.

Các chuyên phân tích Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, sau thành công thu hút FDI nửa đầu năm 2024 thì giai đoạn còn lại của năm, dòng vốn FDI tiếp tục tăng ổn định.

Nguyên nhân, Việt Nam có sẵn những lợi thế cạnh tranh so với khu vực và các nước đối thủ khác bao gồm tình hình kinh tế, chính trị ổn định, vị trí chiến lược thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó là số lượng lớn hiệp định thương mại tự do đã ký kết, lực lượng lao động rẻ dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc ban hành những gói hỗ trợ hấp dẫn, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chú trọng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Theo EuroCham, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cải thiện rõ rệt khi tăng mạnh lên 52,8 điểm trong quý I-2024 từ mức 46,3 điểm tại quý cuối năm 2023.

Tuy nhiên, nỗi lo đã nhen nhóm khi một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều tập đoàn lớn sau các chuyến làm việc tại Việt Nam đã chuyển hướng sang đầu tư các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Nguyên nhân là các tập đoàn này chờ chính sách của Việt Nam trong cơ chế hỗ trợ đầu tư với bối cảnh mới là thuế tối thiểu toàn cầu.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, các ưu đãi đầu tư hiện nay của Việt Nam chủ yếu dựa trên thu nhập như miễn thuế, giảm tiền thuê đất ngày càng kém cạnh tranh so với hỗ trợ tài chính trực tiếp của các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Ví dụ, Malaysia đưa ra những ưu đãi đáng kể bao gồm trợ cấp và trợ cấp trực tiếp cho các ngành công nghệ cao. Chính phủ Malaysia đã thành lập Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA), cung cấp các ưu đãi phù hợp như Quỹ tác động cao cung cấp các khoản tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo và cơ sở hạ tầng.

Indonesia cũng đã nâng cao sức hấp dẫn của mình bằng cách đưa ra các chính sách miễn thuế, trợ cấp đầu tư và quỹ đầu tư quốc gia mới để thu hút đầu tư nước ngoài.

Các quốc gia này cũng đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt cho việc đào tạo lực lượng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đó, giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu và cải thiện khả năng tồn tại của dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, việc Việt Nam phụ thuộc vào các ưu đãi thuế thu nhập hoãn lại khiến nước này kém hấp dẫn hơn, đặc biệt với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu, điều này càng làm giảm giá trị của các ưu đãi truyền thống này.

Sự thiếu hụt lao động công nghệ cao ở Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của chúng ta đối với các công ty đa quốc gia.

Các công ty như Intel và AT&S yêu cầu lực lượng lao động thành thạo các công nghệ tiên tiến, bao gồm sản xuất chất bán dẫn và tự động hóa, những thứ mà Việt Nam hiện đang thiếu so với các đối thủ trong khu vực.

“Malaysia có lực lượng lao động công nghệ cao phát triển hơn, được hỗ trợ bởi các chương trình giáo dục và đào tạo toàn diện tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Tương tự, Singapore cung cấp nền giáo dục kỹ thuật và lao động lành nghề mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và ngành công nghiệp.

Sự chênh lệch về chất lượng lao động này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phức tạp của các ngành công nghệ cao, khiến các công ty chuyển hướng đầu tư sang các nước có lực lượng lao động được chuẩn bị tốt hơn” – vị chuyên gia RMIT cho biết.

Gia tăng sức hấp dẫn

Theo ông Michael Kokalari, rõ ràng nhiều nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia đang cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút FDI. Tuy nhiên, cũng chưa đến mức đáng lo ngại nếu xét từng trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn, các công ty liên quan đến lĩnh vực xe điện chuyển qua Indonesia vì nước này có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất pin.

Các doanh nghiệp vi mạch vào Malaysia nhằm sản xuất sản phẩm chip cao cấp, mà Việt Nam chưa thể thực hiện.

Trong những năm gần đây, dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ chủ yếu để sản xuất các sản phẩm bán cho thị trường nội địa nước này.

Nhưng hiện dòng vốn FDI đã bắt đầu giảm tại Ấn Độ sau quá trình tăng đột biến trước đó vì nhiều điều kiện thiết lập nhà máy vẫn còn khó khăn.

“Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều điều kiện từ môi trường đầu tư, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đến nghiên cứu để ban hành những ưu đãi để duy trì sự cạnh tranh” - ông Michael Kokalari nói.

Theo tiến sĩ Bùi Duy Tùng, sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI hiện tại vẫn còn mạnh mẽ. Những yếu tố hấp dẫn chính của Việt Nam bao gồm ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dân số trẻ và ngày càng đô thị hóa, chi phí lao động cạnh tranh, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), và nguồn cung cấp điện ổn định với giá cả phải chăng.

Để duy trì sức hấp dẫn và cạnh tranh, Việt Nam cần cải cách chính sách thuế, thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều chỉnh các luật thuế để phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo rằng Việt Nam có thể giữ lại phần thuế bổ sung thay vì để nó chuyển về quốc gia khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả